|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTCK Việt Nam từng phản ứng ra sao sau công bố xếp hạng tín nhiệm của Moody's?

07:54 | 19/12/2019
Chia sẻ
Moody's vừa có thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 nhưng điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực. Thông tin này tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Hôm qua (18/12), tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ("Moody's") thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm.

Đồng thời, Moody's điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.

Ngay sau công bố của Moody's, Bộ Tài chính đã có phản hồi và cho rằng việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được.

Với động thái của Moody's, một câu hỏi được không ít nhà đầu tư quan tâm là thị trường chứng khoán thường phản ứng ra sao sau công bố thông tin về xếp hạng?

Theo thống kê trong 10 năm gần đây, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm điểm sau khi Moody's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, và ngược lại thị trường tăng mạnh sau khi đó nhận thông tin tích cực từ tổ chức xếp hạng này.

Dưới đây là thống kê về phản ứng của thị trường ngay sau khi Moody's công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm và đánh giá triển vọng đối với Việt Nam trong 10 năm gần đây.

Năm 2010: VN-Index 2,7% sau khi Moody's hạ xếp hạng từ Ba3 xuống B1

Ngày 15/12/2010, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu Việt Nam, từ Ba3 xuống B1 và duy trì triển vọng "tiêu cực". Nguyên nhân được Moody's đưa ra thời điểm đó là nguy cơ rơi vào khủng hoảng cán cân thanh toán ngày càng cao, các chính sách tiền tệ và ngoại hối không phù hợp, cũng như nợ của Vinashin.

Phản ứng ngay phiên giao dịch sau đó 16/12, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm. Cụ thể, VN-Index giảm 13,3 điểm xuống còn 480,2 điểm, tương đương tỉ lệ giảm 2,7%. Những phiên giao dịch tiếp theo, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch lình xình và đóng cửa tháng 12/2010 ở 484,7 điểm, giảm gần 9 điểm so với ngày công bố xếp hạng.

Năm 2012: VN-Index giảm 1,53% sau khi hạ xếp hạng B1 xuống B2

Ngày 28/9/2012, xếp hạng đối với trái phiếu do Chính phủ phát hành bị Moody's hạ một bậc, từ B1 xuống B2 do lo ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn cũng như những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Moody's đánh giá triển vọng ở mức "ổn định" và xếp hạng ngắn hạn không bị ảnh hưởng.

Tại thời điểm đó, theo Moody's, hai nguyên nhân chính được đề cập là rủi ro trong việc Chính phủ phải can thiệp sâu vào quá trình cơ cấu nợ của hệ thống ngân hàng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính. Cùng với đó là khả năng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn thấp hơn dự báo do ảnh hưởng từ hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tương tự như năm 2010, phiên giao dịch 1/10, thị trường giảm điểm sau công bố của Moody's, VN-Index giảm 6,02 điểm, tương đương mức giảm 1,53% xuống còn 386,55 điểm.

Những phiên sau đó, VN-Index lình xình và có những phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên đến 7,66 điểm, tương đương 1,96% ngày 16/10. Đóng cửa tháng 10/2012, VN-Index ở 388,42 điểm, giảm nhẹ 4,15 điểm so với thời điểm Moody's công bố xếp hạng.

Năm 2014: VN-Index tăng 6,8% trong tháng 8 khi nâng xếp hạng B2 lên B1

Tuy nhiên, trong hai lần gần đây có đánh giá tích cực hơn. Theo đó, ngày 29/7/2014, Moody's nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng "ổn định".

Phiên giao dịch ngày 30/7/2014, VN-Index giảm 2,91 điểm, tương đương 0,49% xuống 589,3 điểm. Tuy nhiên, thị trường tăng mạnh ngay sau đó với 6,74 điểm, tương đương 1,14%, lên mức 596,07 điểm. Trong tháng 8/2014, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực, đóng cửa phiên 29/8 ở 636,65 điểm, tăng gần 6,8% so với cuối tháng 7.

Năm 2018: VN-Index tăng mạnh ngay sau khi nâng xếp hạng

Ngày 11/8/2018, Moody's tiếp tục nâng hạng của Việt Nam từ B1 lên Ba3, với triển vọng thay đổi từ "ổn định" sang "tích cực"

Hãng này cho biết xếp hạng Ba3 phản ánh tiềm năng tăng trưởng mạnh, nhờ việc sử dụng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế ngày càng hợp lý. Nợ chính phủ cũng đang giảm dần nhờ kỳ hạn trái phiếu dài và giảm phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ. Sức khỏe của hệ thống ngân hàng gần đây đã cải thiện và được kỳ vọng duy trì.

Có thông tin tích cực của Moody's cũng tác động một phần lên tâm lí nhà đầu tư trong phiên giao dịch sau đó 13/8, minh chứng bằng mức tăng 0,99% của VN-Index lên 978,04 điểm. 

Đáng chú ý hơn, trong 14 phiên giao dịch còn lại của tháng 8, VN-Index có 11 phiên tăng điểm, chỉ có 3 phiên giảm điểm. Đóng cửa tháng 8/2018, VN-Index ở 998,07 điểm, tăng hơn 3% so với thời điểm công bố xếp hạng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phan Quân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.