|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của MSB

16:20 | 04/05/2021
Chia sẻ
Trong báo cáo đánh giá cuối tháng 4, Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của MSB lên B1 từ B2.
MSB được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm - Ảnh 1.

Cây ATM của MSB. (Ảnh: Báo Thanh tra).

Trong báo cáo đánh giá cuối tháng 4, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) lên B1 từ B2, nhờ việc đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh được nâng hạng từ b3 lên b2.

Theo Moody's, việc nâng hạng BCA cũng như xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của MSB phản ánh chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện do việc giải quyết dứt điểm các khoản trái phiếu của VAMC vào năm 2020 và giảm mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản vốn có rủi ro cao.

Đồng thời, việc nâng hạng cũng phản ảnh sự cải thiện khả năng sinh lời do tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) cao hơn cùng chi phí tín dụng thấp hơn; và nguồn vốn cốt lõi ổn định trong 12 - 18 tháng tới theo kỳ vọng của Moody’s.

Theo tính toán của Moody's, từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ có vấn đề bao gồm cả nợ xấu và trái phiếu VAMC của MSB đã giảm từ mức 4,4% xuống 2%; trong khi tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 36% xuống còn 16%.

Đồng thời, tỷ suất sinh lời trên tài sản hữu hình của ngân hàng đã tăng từ mức 0,7% lên 1,1%, do NIM tăng 0,88 điểm % lên 3,22%. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình trên tài sản có trọng số rủi ro đã điều chỉnh theo Basel II ở mức 8,9% vào cuối năm 2020.

Mặt khác, MSB vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường, vốn chiếm 38% tổng tài sản ngân hàng vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, rủi ro này được giảm nhẹ nhờ mức tài sản thanh khoản cao, chiếm 44% tổng tài sản ngân hàng.

Ngoài ra, Moody's cũng cho biết xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi của MSB được hưởng lợi từ sự ủng hộ của công chúng, dựa trên kỳ vọng của Moody's về khả năng hỗ trợ vừa phải từ Chính phủ Việt Nam.

Vào giữa tháng 3 vừa qua, cơ quan xếp hạng này đã nâng triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn triển vọng tín nhiệm đối với 15 ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực" gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV; 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" gồm OCB, TPBank, VPBank, VIB; 6 ngân hàng được điều chỉnh từ "Tiêu cực" lên "Ổn định" gồm ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank.

Lê Huy