TS. Võ Trí Thành: 'Muốn phát triển Việt Nam cần trở thành mắt xích quan trọng trong ngành bán dẫn'
Một trong những vấn đề nổi bật được đưa ra bàn luận tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản về “Đối tác kinh tế số trong Khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF): Định hướng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam” diễn ra sáng 5/12 là việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực mới, trong đó có ngành bán dẫn.
Cơ hội hợp tác trong ngành bán dẫn
Phát biểu tại Diễn đàn, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM), IPEF bao gồm đối tác quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hoá. Việc tham gia tổ chức này cũng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư chiến lược quan trọng, trong đó Nhật Bản là một đối tác quan trọng có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện trên bản đồ ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chiếm khoảng 4% chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn, Hàn Quốc chiếm 6% , Nhật Bản 5%, Thái Lan 2%, Malaysia 3%, Trung Quốc - Hong Kong chiếm tới 22% còn lại phân bổ ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ...
"Việt Nam hiện mới chỉ tham gia được vào ba khâu, một phần ở thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Song trong tương lai chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ nâng cấp lên, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đầy đủ gồm: Thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, chế tạo thiết bị cùng các doanh nghiệp đa dạng nhiều thành phần, có khả năng làm chủ một số công nghệ lõi", ông Thành nói.
Ông Thành đánh giá Việt Nam đang vào giai đoạn mang tính bước ngoặt đòi hỏi sự phát triển, đây là giai đoạn chúng ta cần bắt nhịp rất nhanh với các xu hướng mới, xanh, số, dịch chuyển chuỗi cung ứng... Bởi nếu không tận dụng được bước nhảy vọt này Việt Nam rất khó để phát triển.
"Nếu không phải thời điểm này thì 'cửa sổ thời gian' để Việt Nam thực hiện khát vọng ngày càng thu hẹp", ông nhấn mạnh.
Theo ông để làm được điều này, Việt Nam cần hình thành mạng lưới “ươm tạo” doanh nghiệp bán dẫn tại NIC, các khu công nghệ công nghệ cao ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, kỹ sư thực chiến
Đặc biệt, cần gắn kết ngành bán dẫn với công nghệ điện tử, một trong những thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, sự hỗ trợ, hợp tác từ các quốc gia có nền công nghệ hiện đại như Nhật Bản rất cần thiết.
Theo ông, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, vốn và cả công nghệ. Các dự án ngành công nghiệp bán dẫn đều cần số vốn khủng lên tới hàng tỷ USD, thời gian kéo dài 5 - 7 năm thậm chí là 10 năm và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam cần tranh thủ sự hợp tác với các đối tác nằm trong khung khổ IPEF trong đó có Nhật Bản để phát triển ngành bán dẫn. Chỉ có những ngành mang lại giá trị gia tăng cao như bán dẫn mới đặt nền móng để kinh tế Việt Nam tiến xa hơn.
Chia sẻ thêm về IPEF, ông Thành cho biết đây là khung khổ hợp tác có 14 thành viên. Tuy nhiên, đây không phải là một Hiệp định thương mại tự do mà là một khu vực mở với các quy tắc được đặt ra.
Trong đó, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác nhất là kinh tế số. Tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới. Tuyên bố chung Việt Nam, Nhật Bản về nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện đã đề ra một nội dung về thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong phát triển kinh tế số.
Cùng tham gia Khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Việt Nam sẽ có cơ hội để gia tăng hợp tác hướng tới tiếp cận các thông lệ tốt về khung chính sách và pháp lý cho kinh tế số.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, giai đoạn 2022-2023 đã chứng kiến những chuyển biến tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế, dù còn đối mặt với nhiều thách thức.
Đặt trong bối cảnh ấy, Khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính thức công bố vào tháng 5/2022 thể hiện nỗ lực quan trọng nhằm tăng liên kết kinh tế của các nền kinh tế thành viên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khung khổ bao gồm 4 trụ cột chính: Thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.
Nằm trong khung khổ kinh tế này, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội để hợp tác với nhau ở các lĩnh vực mới như công nghệ vũ trụ, thành phố thông minh hay chất bán dẫn...