|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Võ Trí Thành: Khi dồn sức cho tăng trưởng sẽ dễ bỏ quên cải cách

07:25 | 11/07/2017
Chia sẻ
Cải cách thể chế chính là thông điệp gắn với kinh tế thị trường và mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhận xét về Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 10/7, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay nền kinh tế đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Vì thế, Chính phủ muốn đạt mức tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% là hợp lý và phù hợp với yêu cầu.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu tăng trưởng năm nay không đạt được như mức Chính phủ đã đề ra sẽ là 2 năm liên tục không đạt được tăng trưởng theo Nghị quyết Quốc hội. Khi đó, chi ngân sách và nợ công vượt ngưỡng đề ra.

ts vo tri thanh khi don suc cho tang truong se de bo quen cai cach
Các chuyên gia kinh tế đánh giá về Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tiềm năng để đạt được mức tăng trưởng vẫn là ở mục tiêu cải cách. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước cần phải nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí khi đó hiệu quả đạt được sẽ rất lớn.

“Thủ tướng yêu cầu năm 2017 là năm giảm chi phí, nhưng tôi chưa thấy chi phí nào giảm và giảm ở đâu. Chỉ thấy lãi suất giảm một cách thận trọng, trong khi các chi phí khác như vận tải, chi phí ngoài quy định vẫn còn cao. Giá đất tại một số địa phương đang muốn tăng để tăng thu ngân sách. Cần thực hiện có hiệu quả và kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng thì giảm chi phí hoàn toàn ở trong tầm tay”, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý chủ trương phát triển khu vực này cần phải được xem xét thấu đáo, bởi vì các báo cáo hiện nay đều ghi nhận, kinh tế tư nhân không phát triển được bao nhiêu.

Cụ thể là, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn than phiền bởi hiện tượng chính quyền phường-xã, quận-huyện bảo kê cho doanh nghiệp tư nhân nộp thuế khoán.

Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể có sử dụng quá 10 lao động phải đăng ký chuyển thành doanh nghiệp. Nhưng quá trình này còn đang gặp khó khăn vì luật quá phức tạp, nhiều hộ cá thể vẫn không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý đến khả năng phát triển rất tiềm năng của thị trường chứng khoán: “Nếu thưc hiện tốt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa ra mức giá cổ phiếu hấp dẫn sẽ tăng làm điểm trong thu hút về nguồn vốn cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.

Bên cạnh đó, theo TS. Lê Đăng Doanh, việc chi tiêu ngân sách hiện nay còn chưa tiến bộ, nhất là thực trạng hiện nay chi thường xuyên lên đến 71%, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chưa có chuyển biến. Do đó, việc cần và có thể làm tốt hiện nay để giải quyết tăng trưởng kinh tế vĩ mô chính là tái cơ cấu ngân sách, giảm chi thường xuyên và giảm số lượng công chức.

Cải cách để kích nguồn cung

Khẳng định để đạt mức tăng trưởng kinh tế, về cơ bản phải do chính nguồn lực nội tại và quan trọng nhất là tính sáng tạo và đổi mới, TS. Võ Trí Thành cho rằng cải cách chính là thông điệp gắn với thị trường và mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Cụ thể theo như kinh tế vĩ mô quý II, việc cải cách cơ chế đã được thực hiện rất tốt, nhưng nhiều vấn đề còn phải đáng lưu ý, bởi vì thực chất tăng trưởng chỉ bằng mức 6 tháng đầu năm 2015, không tính năm 2016 và như vậy là không có tăng trưởng.

“Sản lượng khai khoáng giảm ở cả mặt hàng dầu và than. Năm trước sản lượng khai thác dầu giảm đi, năm nay lại thấp nữa. Có điểm hơi bất thường là tăng trưởng sản lượng điện dù tốc độ vẫn tăng nhưng vẫn thấp hơn so với trước. Trong khi thương mại thâm hụt khoảng 2,7 tỉ USD nhưng tách dịch vụ sẽ còn thấp hơn. Chuyển tiền kiều hối của tư nhân trung bình theo IMF tính toán, dòng tiền chỉ vào khoảng trên 8 tỉ USD, nhưng trong nước tính là 12 tỉ USD thì 4 tỉ USD đi đâu? Do thống kê sai hay ngoại tệ lại chảy ra ngoài theo cách nào đó?”, TS. Võ Trí Thành cho biết.

TS. Võ Trí Thành cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu chi ngân sách. Bởi lẽ, trong 6 tháng đầu năm số liệu được công bố nguồn thu vẫn tăng nhưng chủ yếu ở ngân sách địa phương với mức tăng rất cao, trong khi tăng thu của Trung ương đạt rất thấp.

“Về lâu dài, nguồn thu cơ bản sẽ tăng từ thu phi thuế, trong khi hiện nay thu từ thuế tăng rất chậm nên cần phát động sản xuất kinh doanh vì có địa phương tăng thu rất nhiều nhưng lại là nguồn thu từ đất đai là không bền vững”, TS. Võ Trí Thành lưu ý.

Nhận định về mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm, TS. Võ Trí Thành cho rằng mức tăng trưởng đã đến cận tiềm năng. Nếu ở dưới mức tiềm năng thì kích cầu rất quan trọng, nhưng đã khi đã cận tiềm năng thì Chính phủ phải cải cách để kích nguồn cung.

“Tăng trưởng đi đôi với chất lượng là thông điệp dễ bị nhầm lẫn và mang tính áp đặt chỉ huy. Trong khi thông điệp cần hướng tới là chuyển dần sang cơ chế thị trường nên thông điệp vĩ mô nếu không thận trọng, chỉ nhìn vào ngắn hạn để có tăng trưởng là thiếu nhất quán. Khi dồn sức cho tăng trưởng sẽ dễ bỏ quên cải cách, hoặc tăng cải cách để gia tăng năng suất giá trị gia tăng rồi lại phải dừng lại để hướng đến tăng trưởng”, TS. Võ Trí Thành phân tích.

Nguyễn Quỳnh