VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế quý II thấp nhất năm 2019
Chiều nay (7/5), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities, mã: CTS) tổ chức Hội thảo Thị trường chứng khoán Việt Nam 2019 – Góc nhìn vĩ mô và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.
Đánh giá về kinh tế vĩ mô Việt Nam, theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,32%, thấp nhất trong năm 2019, và lạm phát là 2,78%. Được biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I đạt 6,79%, nhưng hầu hết các ngành tăng trưởng thấp hơn năm ngoái.
TS. Nguyễn Đức Thành trình bày tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Linh
Về thị trường bất động sản, theo ông Nguyễn Đức Thành, thị trường BĐS đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn cung căn hộ trên tất cả các phân khúc tại hai thành phố lớn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thị trường BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Số liệu thống kê số căn hộ mở bán mới và lượng bán tại Hà Nội và TP HCM. Nguồn: Tài liệu hội thảo
Bên cạnh đó, Chỉ thị 04 thắt chặt tín dụng bất động sản, doanh nghiệp cần phải xây dựng quỹ đất sạch cùng với các dự án đang triển khai; trong khi các nhà đầu tư cá nhân cần tránh sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ.
Về thị trường vàng, giá vàng thế giới trong quý 1 lên xuống thất thường, nhưng có xu hướng tăng. Giá vàng trong nước tương đối ổn định.
Đánh giá về vĩ mô thế giới, theo đại điện của VEPR, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn trong năm 2019. Giá dầu đang có xu hướng đi lên nhưng khó dự đoán diễn biến do khó lường về địa chính trị và triển vọng các nền kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, những quan ngại về kinh tế Trung Quốc ngày càng một cao do căng thẳng thương mại với Mỹ. Chỉ số PMI của Trung Quốc liên tiếp giảm xuống dưới mốc 50 trong ba tháng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong nước.
Kết thúc phần trình bày tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra một số lưu ý chính sách đối với nền kinh tế vĩ mô như:
Một là, thế giới chứng kiến nhiều biến động trong quý 1/2019. Mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức khá, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bên hơn do cả những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia. Châu Âu và Mỹ đều bắt đầu tiến trình 'bình thường hóa' tiền tệ, giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỉ giá và lãi suất.
Hai là, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1 ở mức 6,79%, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại.
Ba là, giá năng lượng tăng cùng với việc ban hành thuế Bảo vệ môi trường khiến lạm phát có xu hướng tăng, đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía NHNN đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.
Bốn là, sự dịch chuyển dòng của FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo nhiều cơ hội tăng trưởng của Việt Nam.
Năm là, Việt Nam cần ứng xử với FDI bình đẳng hơn với doanh nghiệp trong nước, quan tâm hơn về vân đề môi trường và quản lý lao động liên quan đến FDI.
Sáu là, Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt với bất ổn của kinh tế thế giới: (1) Điều hành tỉ giá linh hoạt, (2) Giữ lãi suất ổn định, (3) Hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, (4) Từng bước xây dựng "đệm tài khóa" thông qua việc tinh giảm bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.