|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TS. Võ Trí Thành: Cho phép ngân hàng mua lại TPDN, 'cực chẳng đã' nhưng cần làm để vực dậy niềm tin thị trường

08:00 | 29/04/2023
Chia sẻ
Theo TS. Võ Trí Thành, ngân hàng nếu mua TPDN cũng là một hình thức cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp đó mà đây lại là trái phiếu do ngân hàng bán ra nên “cực chẳng đã” mới phải mua lại. Tuy nhiên, giải pháp này giúp tháo gỡ được phần nào khó khăn thị trường TPDN.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03 về ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại (NHTM) được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom ngay sau khi bán ra mà không cần chờ 12 tháng. 

Ngân hàng "cực chẳng đã" mới phải mua lại TPDN

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: NVCC).

Nhìn nhận về quy định này, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc cho phép NHTM mua lại TPDN chỉ là một giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Trên thực tế, ngân hàng nếu mua TPDN cũng là một hình thức cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp đó mà đây lại là trái phiếu do ngân hàng bán ra nên “cực chẳng đã” mới phải mua lại.

Các NHTM cũng phải có điều kiện mua lại, trái phiếu phải đáp ứng được điều kiện và thời gian mua lại cũng khá ngắn chỉ đến hết năm 2023 nên khối lượng mua lại chắc chắn sẽ không nhiều, TS. Thành đánh giá.

Dù vậy, ở mặt tích cực, giải pháp này giúp tháo gỡ được phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là câu chuyện cơ cấu lại giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Tất nhiên, khối lượng mua lại sẽ không quá lớn vì phải phụ thuộc vào các điều kiện đáp ứng để ngân hàng mua lại. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải đảm bảo chất lượng của mình nên theo tinh thần Nghị quyết Chính phủ thì NHTM tháo gỡ phần nào khó khăn chứ không phải doanh nghiệp cứ phát hành ra là ngân hàng mua lại. 

Dù vậy, TS. Võ Trí Thành, nhấn mạnh bất kỳ giải pháp nào nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý có thể tháo gỡ được khó khăn cho thị trường TPDN và bất động sản thì cần triển khai và quy định cho NHTM mua lại TPDN là một trong số đó.

"Đây là một trong những giải pháp cụ thể nằm trong tổng thể rất nhiều những giải pháp được “đặt lên bàn” để góp phần xử lý câu chuyện của thị trường TPDN, nhất là trái phiếu gắn với bất động sản", ông Thành nói.

Hiện tại, thị trường bất động sản có câu chuyện về pháp lý, câu chuyện về các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ về mặt tài chính, tín dụng,… và có cả các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc. Trong khi, xử lý của thị trường bất động sản cần gắn với từng trường hợp. Ngoài ra, việc để NHTM đánh giá và chọn lọc mua lại TPDN cũng sẽ phân loại nhóm doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì không thể bất chấp để giải cứu.

Vực dậy niềm tin nhà đầu tư cá nhân 

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng, ý nghĩa của Thông tư 03 tập trung vào việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cá nhân khi cho phép các ngân hàng chủ động mua lại trái phiếu làm tính thanh khoản cho thị trường, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu,

Thực tế, kế từ quý III/2022, nhà đầu tư cá nhân vẫn có dấu hiệu tháo chạy khỏi thị trường TPDN. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong quý I/2023, nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99% bên mua, trong đó ngân hàng là 77%.  

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM. (Ảnh: NVCC).

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, chính sách này sẽ làm tăng tính thanh khoản cho thị trường TPDN.

Trước đây, phải sau 12 tháng ngân hàng mới được phép mua lại còn bây giờ bán ra có thể mua lại bất cứ lúc nào. Nhà đầu tư cần thì ngân hàng có thể mua lại trong trường hợp họ có cam kết, còn trường hợp ngân hàng không cam kết thì tuỳ ngân hàng quyết định mua lại hay không.

Việc ngân hàng giữ cam kết mua lại cho nhà đầu tư cá nhân sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường, đồng thời, cũng góp phần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc giữa việc mua lại bởi nếu không rủi ro về mặt tài chính là khá lớn. Trước kia, quy định sau 12 tháng ngân hàng mới được mua lại trái phiếu là bởi có sự tách bạch giữa vốn trung hạn, dài hạn và vốn ngắn hạn nhưng đến nay khi cho lại ngay sẽ là vốn ngắn hạn.

Vì vậy, trong việc quản trị rủi ro về kỳ hạn của ngân hàng cần cân nhắc kỹ hơn bởi như trường hợp của SBV, ngân hàng này sụp đổ là do sự quản trị lỏng lẻo về kỳ hạn khi huy động vốn ngắn hạn nhưng lại tài trợ trung và dài hạn.

"Đương nhiên, quy định cho phép NHTM mua trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết để vực dậy niềm tin thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi thị trường TPDN trong thời gian qua gặp quá nhiều vấn đề nhưng ngân hàng cũng cần cân nhắc đến rủi ro về vấn đề này", TS. Huân nói. 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cũng cho rằng, quy định cho phép các tổ chức tín dụng trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn.

Điều này sẽ tháo gỡ áp lực mà một số tổ chức tín dụng đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại. Quy định này cũng rất hợp lý trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động. 

Hạ An

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.