Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc: 'Thông tư 02, 03 khá giống với tinh thần NĐ08, sửa luật nhằm tránh tình trạng vỡ nợ hàng loạt'
Ngày 24/4, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành chính thức các quy định mới liên quan tới hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó có, Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép NHTM cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tối đa là 12 tháng và Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép NHTM được mua lại trái phiếu đã phát hành từ nay tới 31/12/2023.
Đánh giá về động thái này, các chuyên gia cho rằng, hai Thông tư 02 và 03 được ban hành trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh hiệu quả và trả được nợ, rủi ro về nợ xấu cho ngân hàng là rất lớn.
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về việc cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ nhưng NHTM vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024.
Xử lý các vấn đề cấp bách, tránh vỡ nợ hàng loạt
Theo Chuyên gia Chứng khoán Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, hai Thông tư mới ban hành chủ yếu nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt có liên quan tới sức khoẻ tài chính của ngân hàng và doanh nghiệp, người dân.
Các quy định này giúp các bên có thêm thời gian để chờ đợi tình hình kinh tế sẽ cải thiện trong tương lai, để các bên có thể cơ cấu tài chính, điều chỉnh hoạt động kinh doanh và kỳ vọng hồi phục doanh thu và lợi nhuận, tăng nặng lực tài chính và khả năng trả nợ trong tương lai.
Quý 2 và 3/2023 lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành những năm trước sẽ đến hạn thanh toán gốc và lãi, trong đó chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Trong những năm qua nhóm mua nhiều trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản nhất là nhóm các NHTM và công ty chứng khoán có vốn ngân hàng, chính vì vậy mà áp lực sẽ dồn lên nhóm các NHTM và doanh nghiệp bất động sản là rất lớn trong câu chuyện thanh khoản.
"Chính vì vậy, sự ra đời của hai Thông tư trên có thể được coi là một giải pháp tháo gỡ một phần những khó khăn của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới trong việc xử lý và cơ cấu lại tài chính và hoạt động", ông Ngọc đánh giá.
Theo ông, tinh thần của hai Thông tư này khá giống với Nghị định 08/2023/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện để tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ có thể thoả thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đến hạn hoặc đã quá hạn mà tổ chức phát hành chưa thể thanh toán gốc và lãi vay của trái phiếu.
"Việc sửa luật nhằm tránh thực tế vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực hơn tới bức tranh kinh tế trong nước vốn đang ảm đạm", chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc cho hay.
Trong điều kiện nên kính tế còn nhiều áp lực từ bên ngoài và những vấn đề nội tại từ bên trong, việc tìm giải pháp giải quyết nhiều khúc mắc trong nền kính tế là chưa khả thi thì những biện pháp mang tính “tình thế” cũng là một lựa chọn để xử lý những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn, tránh rủi ro lan rộng khiến tình hình chung thêm căng thẳng và khó xử lý hơn khi các thành phần kinh tế tổn thương lớn khó hồi phục trở lại, chuyên gia nhìn nhận.
Doanh nghiệp và NHTM có thêm thời gian cơ cấu lại
Cụ thể, Thông tư 02 ban hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc lãi vay ngân hàng.
Nếu không có biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ phát sinh nợ xấu do bị chuyển nhóm nợ, không đủ điều kiện tiếp tục vay vốn mới dẫn tới khả năng hồi phục thấp, nhóm doanh nghiệp bất động sản có thể là nhóm rủi ro nhất vì có dư nợ lớn tại các NHTM. Đồng thời, NHTM đối mặt với nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng tới khả năng cho vay do các chỉ tiêu an toàn tài chính giảm, bị giới hạn room cho vay và giới hạn hoạt động đầu tư theo quy định.
Sau khi ban hành Thông tư 02, doanh nghiệp sẽ được giãn nợ có thêm thời gian tối đa 12 tháng để cơ cấu tài chính, chờ đợi thị trường cải thiện nhu cầu và có cơ hội hồi hục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản có dư nợ lớn tại các NHTM là đối tượng chính.
Các NHTM cũng cơ cấu thời hạn trả nợ tránh được việc phát sinh nhiều nợ xấu lên mức cao, tránh được rủi ro bị hạn chế tín dụng và hạn chế đầu tư theo quy định, mặc dù vậy theo thông tư 02 thì NHTM vẫn phải trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định hiện hành đối với phần dư nợ được cơ cấu thời gian trả nợ.
Với Thông tư 03, thực tế trong những năm gần đây các NHTM có thúc đẩy hoạt động huy động vốn và phát triển tín dụng thông qua kênh trái phiếu gồm: Phần huy động các NHTM phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước, quốc tế, đồng thời phân phối trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, thường là đối tác lâu năm, hoặc công ty có liên quan tới cổ đông lớn ngân hàng qua đó gián tiếp huy động vốn từ người dân vào cho vay các dự án.
Theo ông Ngọc, đối với phần cho vay các NHTM thường mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, thường là đối tác lâu năm, hoặc công ty có liên quan tới cổ đông lớn ngân hàng, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản qua đó cấp tín dụng cho doanh nghiệp sở hữu dự án.
"Thời gian qua, vì những sai phạm của nhiều doanh nghiệp lớn trong phát hành trái phiếu đã khiến nhu cầu rút vốn đến hạn và trước hạn với các sản phẩm trái phiếu tăng cao, trong khi đó NHTM lại bị giới hạn khả năng mua lại trái phiếu theo quy định, dẫn tới tình trạng mất thanh khoản trên thị trường trái phiếu, nhu cầu mua trái phiếu của cá nhân và tổ chức hiện nay rất thấp", ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay.
Sau khi ban hành Thông tư 03 sẽ mở ra khả năng mua lại trái phiếu cho các NHTM, giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đang cạn cầu hiện nay. Các NHTM có thể mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó để thanh khoản (trả nợ) cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu rút vốn trái phiếu đến hạn và trước hạn.
NHTM cũng có thể tiếp tục mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành qua đó cấp tín dụng cho doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao), ở khía cạnh này thì các đối tác lâu năm của ngân hàng sẽ được ưu tiên và không ngoài trừ cả các trưởng hợp đảo nợ cho khách cũ để tránh phát sinh nợ xấu ngân hàng khi doanh nghiệp không thể thanh toán được nợ trái phiếu đến hạn.
BĐS kém khả quan vẫn ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng
Còn theo bộ phận phân tích của CTCK VNDirect,Thông tư 02/2023 quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng; và điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay nói trên.
Nhìn chung, Thông tư này sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là doanh nghiệpb bất động sản.
Tuy nhiên, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong hai năm 2023 và 2024.
Đặc biệt, Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB vì các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn".
Bên cạnh đó, thị trường TPDN cũng được giải tỏa phần nào khi Thông tư 03/2023 cho phép ngân hàng được quyền mua TPDN (có điều kiện kèm theo). Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua TPDN, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (chỉ khoảng 2% tại cuối quý I/2023) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Ngoài ra, Thông tư cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu và có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường TPDN như TCB, MBB, VPB. Tuy nhiên còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro, cân bằng chất lượng tài sản hơn là mục tiêu tăng trưởng.