|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Lê Thẩm Dương: Muốn huy động vàng, USD phải thay đổi được thói quen 'tiết kiệm hoang phí'

14:56 | 24/07/2017
Chia sẻ
TS. Lê Thẩm Dương đã ví von người Việt Nam “tiết kiệm một cách hoang phí”. Nghĩa là nhiều người dân chắt chiu, dành dụm tiền nhưng đem cất dưới gậm giường, không biết hoặc không tìm đến kênh đầu tư để sinh sôi nảy nở số tiền tiết kiệm đó.
ts le tham duong muon huy dong vang usd phai thay doi duoc thoi quen tiet kiem hoang phi

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết đối với dân thành thị họ còn có thể biết đến ngân hàng để gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi, thử hỏi bao nhiêu người dân nông thôn hoặc ven đô thị biết tìm đến ngân hàng? Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng đi từ thực trạng xã hội Việt Nam chúng ta vẫn có thể bắt gặp đâu đó những người có vàng, tiền nhàn rỗi đem cất vào két sắt ở nhà.

Điều này dẫn đến hiện tượng “vàng hóa” và “USD hóa” trong nền kinh tế Việt Nam từ nhiều năm qua. Nó dẫn đến hệ lụy “sóng vàng”, “sóng USD” gây bất ổn cho thị trường tiền tệ khi đầu cơ chênh lệch giá vàng, giá USD, đặc biệt tăng lên mạnh mẽ trong những năm 2006-2011 (tỷ giá USD/VND tháng 2/2011 đã tăng 9,3%, giá vàng lên mức đỉnh 49 triệu đồng/lượng vào tháng 9 năm 2011).

Chính vì điều này, Ngân hàng Nhà nước buộc phải có biện pháp bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ bằng cách không cho nhập khẩu vàng, giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm. Những chính sách này đã góp phần làm cho thị trường vàng, USD "lặng sóng" nhưng chưa triệt tiêu được hiện tượng găm giữ vàng, USD trong dân.

Đến nay, Chính phủ lại một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm biện pháp huy động vàng, USD trong dân. Trước đó, đã có những ý kiến của các chuyên gia về việc cho phép thành lập sàn vàng quốc gia, phát hành trái phiếu huy động vàng… nay là tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi USD… để huy động những nguồn lực này.

Việc huy động nguồn lực vàng, USD nằm nhàn rỗi trong dân là chủ trương đúng nhưng khó. Về lý thuyết căn bản thì đúng cho thị trường, còn thực tế lý thuyết phải áp dụng linh hoạt đối với từng quốc gia. Vì sao? Trong mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế, trong từng hoàn cảnh và cung bậc của thị trường sẽ có những biện pháp lý thuyết kinh tế khác nhau. Cái này tùy thuộc vào sự tài năng, linh hoạt của nhà quản lý. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam phải “còng lưng” đi vay nợ nước ngoài để chi tiêu, còn vàng, USD nhàn rỗi trong dân đem “cất gầm giường”. Tại sao lại có tình trạng này? Vì ở các nước phát triển, người dân có tiền nhàn rỗi họ tìm đến kênh đầu tư để sinh lời chứ không để “tiền chết”.

Nếu nói người dân chưa đủ lòng tin cũng chưa hoàn toàn đúng, vì nếu Việt Nam có những kênh đầu tư sinh lời thực sự hấp dẫn và có phương thức làm sao để kéo vàng, USD ra khỏi gậm giường mới chính là vấn đề, TS. Dương nói.

Nhiệm vụ của các nhà tài chính là đưa ra những sản phẩm đầu tư hấp dẫn, phù hợp với người Việt Nam. Chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhưng phải dựa vào thực tế Việt Nam. Không thể máy móc và nóng vội.

Để thay đổi thói quen “văn hóa để dành”, cũng như thói quen “tiết kiệm một cách hoang phí” của người Việt cần cả một quá trình, vì “văn hóa là cái cuối cùng còn lại sau khi tất cả đã mất đi”. Do đó, phải có sự chuẩn bị, có sự nghiên cứu thực tế, phải tìm sự đồng thuận trong dân, thay đổi nhận thức của người dân, từ đó mới nói đến chuyện huy động vàng, USD.

Tóm lại, theo TS. Lê Thẩm Dương, cần có 3 yếu tố để triển khai thành công: Thứ nhất, cần có người đứng đầu chịu trách nhiệm trong việc này. Thứ hai, động lực để làm việc này cần phải có sự đồng thuận của đông đảo người dân (75% đồng ý chẳng hạn). Cuối cùng cần tạo văn hóa tham dự, nghĩa là mọi người được tham gia hiến kế, được hành động.

Linh Lan

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.