|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Lê Đăng Doanh: 'Tỉnh nghèo, thu nhập thấp phải chấp nhận chi tiết kiệm hơn tỉnh giàu'

09:49 | 11/02/2017
Chia sẻ
Minh bạch ngân sách nhà nước theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh vẫn chỉ là “những con số chung chung” và hiện nay có tình trạng gánh nặng thu ngân sách nhà nước dồn lên vai 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ và 11 tỉnh thành đồng bằng sông Hồng.
ts le dang doanh tinh ngheo thu nhap thap phai chap nhan chi tiet kiem hon tinh giau

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM

Tại hội thảo “Xây dựng sáng kiến thúc đẩy công khai minh bạch Ngân sách Nhà nước” tổ chức chiều 10/2, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 2006 đến nay bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục tăng nhanh cả về số tuyệt đối lẫn về tỷ lệ GDP.

Bên cạnh đó, gánh nặng thu ngân sách nhà nước dồn lên vai 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ khi phải đảm đương tới trên 42% tổng thu ngân sách nhà nước và 11 tỉnh thành đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ hơn 30%.

“Chỉ riêng số thu ngân sách nhà nước của TP.HCM đã cao hơn nhiều so với số thu của toàn bộ 46 tỉnh thành nằm ngoài vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Chênh lệch giữa tỉnh có số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp nhất có 501 tỷ đồng (tỉnh Bắc Kạn) với tỉnh có số thu cao nhất (TP.HCM) lên tới gần 600 lần”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, cùng với đó, sự thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương còn thể hiện ở tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương khi TP.HCM có tỷ lệ điều tiết cao nhất với chỉ 23% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được giữ lại cho ngân sách địa phương với gần 70.000 tỷ đồng trong khi riêng TP.HCM chiếm tỷ trọng gần 27% tổng dự toán thu ngân sách nhà nước trong năm 2016.

“Tỷ lệ điều tiết ngày càng cao từ TP.HCM rất bất hợp lý vì để đảm bảo vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và nguồn thu ngân sách lớn nhất của cả nước, TP.HCM cần đầu tư bảo đảm kết cấu hạ tầng tiên tiến, nếu không năng lực cạnh tranh quốc tế của TP.HCM sẽ không bền vững”, ông Doanh nêu quan điểm.

Vị chuyên gia cho rằng, tỉnh nghèo, thu nhập thấp phải chấp nhận chi tiết kiệm hơn tỉnh giàu, bộ máy phải tinh gọn hơn, không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nghèo, sống chủ yếu bằng điều tiết ngân sách bộ máy vẫn cồng kềnh…

Ngoài ra, ông Doanh cũng cho biết, ông không hề thấy cơ quan chức năng công bố cũng con số cụ thể trong khi, ở nhiều nước, từng khoản thu, chi của các cá nhân, tổ chức đều được công khai. “Tôi đề nghị ta phải bổ sung luật cụ thể về minh bạch ngân sách. Minh bạch ngân sách phải cụ thể, giới hạn, rõ ràng”, ông Doanh nói

Bình luận về vấn đề minh bạch ngân sách tại hội thảo, bà Ngô Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Hội nhập và phát triển (CDI) nhắc lại số điểm 18/100 điểm về của Việt Nam trong cuộc khảo sát năm 2015 do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện tại 102 quốc gia.

Điểm số này theo bà đồng nghĩa Việt Nam vẫn cung cấp ít thông tin về ngân sách cho công chúng. Một trong những vấn đề theo bà đã đánh tụt điểm của Việt Nam là chưa công bố dự thảo dự toán ngân sách.

Việc công khai tài liệu này theo bà hiện tại đã được đưa vào luật và sẽ áp dụng cho năm ngân sách 2017 tuy nhiên, điều bà quan tâm hơn là, ngoài việc cung cấp thông tin, người dân phải hiểu được những thông tin đó.

Đây là vấn đề theo bà là một thách thức bởi nếu bản báo cáo quá phức tạp, người dân không hiểu, không tham gia bình luận tham vấn thì việc công bố cũng không thực sự mang nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Thảo