|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TS Cấn Văn Lực: 'Một đồng tăng trưởng kinh tế ngốn khoảng 1,7 đồng điện'

07:29 | 22/01/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực mặc dù Việt Nam nằm trong top tăng trưởng kinh tế nhưng cũng là nước "ngốn" điện năng.

Tại hội thảo Giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng Công ty phát điện 2 (EVNGENCO2), ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cho biết ngành năng lượng Việt Nam đang tăng tỷ trọng năng lượng thương mại và giảm năng lượng phi thương mại.

Đặc biệt, xu hướng trong thời gian tới là tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, ước đạt 44% vào năm 2050.

Theo số liệu thống kê công suất nguồn điện Việt Nam đã tăng từ mức gần 22GW năm 2010 lên 70,7 GW năm 2020, tăng bình quân 12,4%/năm. Công suất điện sử dụng năng lượng tái tạo tăng nhanh, từ 9,4 GW năm 2010 lên 38,7 GW năm 2020, tăng bình quân 15,3%/năm.

Sản lượng điện sản xuất tăng từ 101 tỷ kWH năm 2010 lên 248 tỷ năm 2020, tăng bình quân 9,4%/năm. Điện năng từ năng lượng tái tạo tăng nhanh, từ 28 tỷ kWh năm 2010 lên 87 GWh năm 2020, tăng bình quân 12%/năm.

"Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái đang là xu hướng chung của ngành điện và sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường", ông Vy nhận định.

Phân tích cụ thể, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng cho biết xu thế chung về chuyển đổi năng lượng hiện nay là tăng trưởng nhanh nguồn năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng cho phép tăng trưởng kinh tế với chi phí năng lượng thấp hơn và điện khí hóa, tức tỷ lệ điện trong năng lượng cuối cùng tăng nhanh.

Ở góc độ chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, cho rằng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng điện năng là mối quan hệ rất quan trọng.

Cụ thể, tăng trưởng ngành bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,8%, cao hơn tăng trưởng GDP là 6%. Mức đóng góp GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 0,58 điểm %, tương đương gần 10%.

TS Cấn Văn Lực: 'Một đồng tăng trưởng kinh tế ngốn khoảng 1,7 đồng điện' - Ảnh 1.

Nguồn: TCTK

"Đóng góp của ngành điện vào tăng trưởng kinh tế khoảng 9,5% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. So với các ngành khác như tài chính ngân hàng đóng góp khoảng 6%, bất động sản khoảng 5% thì vai trò của phát triển ngành điện đối với tăng trưởng kinh tế rất là quan trọng", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong top tăng trưởng kinh tế nhưng cũng là nước "ngốn" điện năng. Đây là điều rất cần phải lưu ý.

"Một đồng tăng trưởng về kinh tế thì ngốn khoảng 1,7 đồng điện, tức là để tăng trưởng kinh tế đạt 1% thì điện phải tăng trưởng từ 1,7%, trong khi các nước khác khoảng 1,1%.

Với tình trạng này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 10 năm tới ở mức 6,5 - 7% thì yêu cầu ngành điện phải tăng trưởng 12-13% là cực kỳ khó khăn cho ngành điện", ông Lực phân tích.

Theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, thị trường điện lực Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ gồm thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (cấp độ 3).

Nghị quyết 55 của Chính phủ về phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 -20% vào năm 2030, và đạt 25 - 30% vào năm 2045.

Chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% và năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng ngành điện hiện phụ thuộc một số yếu tố phi thị trường, khó kiểm soát như thời tiết, hạn hán, lũ lụt tác động đến thủy điện, điện gió, điện mặt trời.

Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu than, dầu, khí ngày càng cạn kiệt và vẫn còn quan ngại về ô nhiễm môi trường. 

Ngoài ra cơ chế, chính sách về giá điện, cạnh tranh...còn hay thay đổi, chưa nhất quán là những điều cần lưu ý đối với sự phát triển của ngành điện và lộ trình thực hiện mục tiêu đề ra.

Như Huỳnh