TS. Cấn Văn Lực: Mối quan hệ giữa bên vay và cho vay tại Việt Nam chưa bình đẳng, chúng ta thường ủng hộ bên vay nhiều hơn
Chưa có sự bình đẳng giữa bên vay và cho vay
Tại buổi đối thoại chuyên đề: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, TS Cấn Văn Lực cho biết tư duy quan niệm về tín dụng tại Việt Nam rất khác so với quốc tế.
Theo đó, ở Việt Nam, mối quan hệ giữa bên đi vay và cho vay không được bình đẳng khi chúng ta có thiên hướng ủng hộ bên đi vay nhiều hơn.
"Khi xử lý nợ xấu đưa ra toà thì tổ chức tín dụng (TCTD) luôn bị coi là “tội phạm”. Nếu vấn đề này không xử lý bằng việc luật hoá thì sẽ mãi là một câu chuyện không giải quyết được," ông Lực cho hay.
Từ thực trạng trên, chuyên gia đề xuất cần phải có một chương trong Luật TCTD về vấn đề nợ xấu như Quốc hội đã có yêu cầu trong thời gian vừa qua là phải kế thừa Nghị quyết 42. Song ngoài việc kế thừa, ông Lực cho rằng còn phải luật hoá những gì chưa được như mong muốn ở Nghị quyết 42 bởi luật vẫn là công cụ rất mạnh.
Bên cạnh đó, cần chuẩn hoá về mặt ngôn từ tránh để đến lúc triển khai thực hiện xảy ra vướng mắc. Trong nội dung của dự thảo cũng phải giải quyết những vướng mắc có trong nghị quyết 42 trong thời gian vừa qua.
Song song với đó, cần sửa đổi luật lệ có liên quan đảm bảo tính đồng bộ. Chuyên gia kỳ vọng khi bàn thảo sửa đổi ba luật quan trọng (Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản), NHNN sẽ vào cuộc, trong quá trình thảo luận những vấn đề liên quan đến TCTD cần đề nghị sửa ngay.
Do hạn chế về thời gian, ông Lực cho rằng cần lập một nhóm bao gồm NHNN, các bộ ngành liên quan thậm chí cả chuyên gia và các hiệp hội nhằm tạo sự đồng thuận và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV, cũng cho rằng để xây dựng khung pháp lý về nợ xấu, việc đầu tiên là cần đề cao, phải tôn trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cả hai bên - ngân hàng và cả những người đi vay nợ. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp đều phải được bảo đảm, chứ không đề cao ai hơn ai.
Cần thúc đẩy quá trình thực thi, tạo thêm cơ chế cho người vay tự xử lý nợ xấu
Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từ khi có hiệu lực thi hành Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao. Thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án,...).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng còn băn khoăn về việc số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng. Tổng số nợ được xử lý chiếm khoảng 48% so với tổng số nợ xấu.
Lưu ý về vấn đề rà soát, ông Hiếu cho rằng cần phân biệt giữa vướng mắc pháp lý và tổ chức thực thi do các cơ quan chưa tích cực, chưa hợp tác trong việc giải quyết thủ tục. Đây chưa hẳn là vướng mắc pháp lý, phải phân biệt rất rõ.
Bên cạnh đó, ngân hàng hiện nay đang đóng vai trò là cơ quan cho vay, đứng ra để giải quyết các khoản nợ. Song để thực thi hiệu quả hơn, nhanh hơn, giảm giải quyết các vướng mắc, ông Hiếu đề xuất có thể nghĩ thêm một cơ chế để thúc đẩy người đi vay tự giải quyết các vấn đề của mình.
"Số liệu thực tế cho thấy trong thời gian qua, phần được xử lý hiệu quả nhất là phần khách hàng tự trả nợ (đạt 148.000 tỷ đồng, chiếm 38,93%), tức là cơ chế khách hàng tự thanh lý tài sản đang hiệu quả hơn. Thêm vào đó, chi phí giao dịch và chi phí pháp lý sẽ ít tốn kém hơn việc ngân hàng đứng ra thanh lý tài sản", ông Hiếu nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/