TS. Cấn Văn Lực: Fed tăng lãi suất gây ra 4 tác động với kinh tế Việt Nam
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Báo Chính phủ, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nói vè 4 tác động khi Fed tăng lãi suất với nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông, đây là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm nay và mỗi lần Fed tăng lãi suất, tác động đều thể hiện rất rõ. Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỷ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.
"Rất may với Việt Nam cả 4 tác động này về cơ bản ở mức vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát. Chính vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam vẫn hoàn toàn kiểm soát được lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm nay và tỷ giá biến động xoay quanh mức 3%", ông nói.
Về tác động dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, theo ông đánh giá, tại Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán, dù không nhiều, đâu đó khoảng vài chục triệu USD, song điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước bị bán ròng vài tỷ USD.
"Tôi cho rằng, khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất trong nước những tháng cuối vẫn có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp", TS. Cấn Văn Lực nói thêm.
Đối với vấn đề lạm phát, vị chuyên gia nhấn mạnh, khi thế giới đang có nhiều biến động, ngân hàng Trung ương các nước đang thắt chặt nhanh tiền tệ, cộng với việc Fed tăng lãi suất, điều này sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Về cơ bản, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo cần phải theo dõi và phản ứng để có các chính sách phù hợp. Tôi cho rằng đây là những hành động rất kịp thời.
Cụ thể là Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan… phải theo dõi, nhận định tình hình chính xác và đưa ra các giải pháp để vừa giảm thiểu rủi ro tác động, vừa có thể tận dụng những cơ hội để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi.
Có thể thấy, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
"Mặc dù thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nhưng tôi tin Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Chúng ta kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng 'ổn định không có nghĩa là cố định' mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình", TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Chiều 21/9 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhằm khống chế lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chiều 22/9 thông báo nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng từ 4% lên 5%, lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 5% lên 6%.