Trưởng đại diện JETRO: Năm 2021 nhiều công ty Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam
Ông Hirai Shinji cho rằng, ngay trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, Việt Nam đã nằm sẵn trong danh sách các điểm đến đầu tư phổ biến với doanh nghiệp Nhật. Trong các khảo sát của JETRO với các doanh nghiệp thành viên thì Việt Nam luôn nằm trong top ba và trong lần khảo sát mới nhất thì Việt Nam nằm thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và trước cả Thái Lan.
Trước đây chỉ có các công ty sản xuất, giờ có thêm các công ty bán lẻ và dịch vụ, với những tên tuổi lớn có thể kể đến như AEON, UNIQLO, Matsumoto Kiyoshi… Những công ty này đều đang nghiên cứu để mở rộng quy mô tại Việt Nam.
"Vậy nên trong năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều công ty sản xuất và dịch vụ của Nhật Bản đến Việt Nam, hay các công ty hiện có sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và họ sẽ không chỉ đầu tư làm nhà máy ở TPHCM và các vùng phụ cận mà sẽ tìm đến các địa phương khác như ở ĐBSCL", ông Hirai Shinji nhận định.
Lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất trong khu vực, khiến quy mô nền kinh tế ngày một lớn, mức tiêu dùng của người dân cũng ngày một tăng.
Đáng chú ý, sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, uy tín của Việt Nam càng được củng cố hơn. Tính đến thời điểm này, Việt Nam rất thành công trong việc kiềm chế và kiểm soát đại dịch COVID-19. Do đó, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá rất cao khả năng quản trị rủi ro tầm quốc gia của Chính phủ Việt Nam, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng, mở rộng quy mô làm ăn tại Việt Nam.
Đánh giá về sự chuẩn bị đón sóng đầu tư của Việt Nam, ông Hirai Shinji cho rằng: Có hai lĩnh vực chính Việt Nam cần cải thiện trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản, đó là cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông và logistics) và hoàn thiện chuỗi cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện…) cho doanh nghiệp Nhật.
Trong lần khảo sát tại các doanh nghiệp FDI của Nhật hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đứng sau Trung Quốc và trước Thái Lan về độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Sau khi phân tích bảng khảo sát, kết quả cho thấy nhà đầu tư rất không hài lòng về cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông đường bộ và logistics) của Việt Nam, trong khi ở điểm này, tỉ lệ không hài lòng ở Trung Quốc chỉ là 2-5% tổng số doanh nghiệp được hỏi, ở Việt Nam lên tới 20% (và có xu hướng tăng) và ở Thái Lan cũng tương đương.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có ý định đầu tư sản xuất ở ĐBSCL lo lắng khi muốn xuất khẩu phải vận chuyển hàng lên các cảng ở TPHCM, tốn kém cả thời gian vận chuyển (3-6 tiếng) lẫn chi phí. Vậy nên tôi trông chờ sự cải thiện cơ sở hạ tầng trong 3-5 năm tới.
Về mặt cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện…), doanh nghiệp Việt Nam cũng khá yếu, với mức độ cung ứng nội địa ở mức 37% so với Trung Quốc (67,6%) lẫn Thái Lan (59.9%). Do vậy, yếu tố này cũng cần phải cải thiện nhiều.
Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cũng nhận xét, Chính phủ Việt Nam đã rất năng động và chủ động tham gia các FTA, và các công ty Nhật tại Việt Nam đang tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội này, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường ASEAN hay các thị trường đã có FTA từ các nước lân cận để sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tăng tốc cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.
"Tôi nghĩ với việc nền kinh tế Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu thông qua các FTA thì cả doanh nghiệp Nhật bản và Việt Nam đều đang hưởng lợi từ những điều này", ông Hirai Shinji nói.
Ông cũng cho biết rất ấn tượng với sự năng động của lãnh đạo địa phương trong việc tìm cách thu hút nguồn vốn nước ngoài và cạnh tranh nhau bằng cách lập ra chỉ số cạnh tranh tỉnh (PCI). Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và nhiều nhà đầu tư đánh giá công nhân Việt Nam có khả năng hợp tác làm việc tốt và các chính sách của Chính phủ cũng đang ủng hộ thu hút đầu tư FDI.