|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm cho Nhật Bản với triển vọng 'tiêu cực'

03:26 | 09/02/2021
Chia sẻ
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 8/2 đã giữ nguyên đánh giá tín nhiệm ở mức A với triển vọng “tiêu cực” cho Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều rủi ro đi xuống cho triển vọng tài chính và kinh tế nước này.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết nợ chính phủ Nhật Bản đã tăng lên tương đương 254,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020 so với mức 231,2% GDP trong năm 2019, gánh nặng nợ công lớn nhất trên thế giới. Cơ quan này cho biết thêm tỷ lệ nợ trên GDP sẽ đạt đỉnh ở mức 258,6% vào năm 2023, trước khi quay đầu giảm với giả định lãi suất tiếp tục thấp.

Theo đề xuất của Văn phòng Nội các Nhật Bản, mục tiêu đạt thặng dư ngân sách ban đầu của chính phủ vào năm tài chính 2025 là "quá tầm với". Đến nay, tỷ lệ nợ công cao chưa tạo ra áp lực tài chính, do lãi suất thấp đã ngăn ngừa sự gia tăng chi phí trả nợ trong nền kinh tế tăng trưởng thấp.

Fitch cho biết tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này dự kiến sẽ giảm 5,3% vào năm 2020, sau đó phục hồi với mưc tăng 3,5% trong năm nay và 1,5% trong năm 2022 nhờ hoạt động xuất khẩu.

Fitch đã giả định lợi suất sẽ ở mức thấp trong vài năm tới do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) liên tục in tiền, bất chấp rủi ro nợ cao, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương do các điều kiện tài chính thắt chặt trong tương lai.

Cơ quan xếp hạng này dự đoán BoJ sẽ duy trì các chính sách tiền tệ hiện tại trong năm 2022 với việc kiểm soát đường cong lợi suất, mua trái phiếu chính phủ (JGB) và các tài sản rủi ro hơn như chứng chỉ quỹ (ETF) và Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (J-REIT) quy mô lớn.

BoJ đã công bố kế hoạch tiến hành đánh giá chính sách tiền tệ vào tháng 3/2021 với mục đích tăng cường hiệu quả và tính bền vững của các chính sách, điều mà Fitch cho rằng có thể sẽ chỉ dẫn đến những thay đổi nhỏ đối với hoạt động của ngân hàng này.

Cùng ngày, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố kết quả khảo sát cho thấy chỉ số niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ của nước này đã giảm trong tháng 1.

Cuộc khảo sát được tiến hành với nhiều đối tượng như tài xế taxi, nhân viên khách sạn và nhân viên nhà hàng, cho thấy niềm tin người lao động về điều kiện kinh tế hiện tại đã giảm 3,1 điểm so với tháng 12/2020 xuống 31,2 điểm. Tuy vậy, tốc độ giảm đã chậm lại so với mức giảm 9,5 điểm ghi nhận được trong tháng trước đó.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba kể từ giữa tháng 11/2020 đã khiến chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp thứ hai trên toàn khu vực thủ đô Tokyo vào ngày 7/1. Tình trạng khẩn cấp được mở rộng sang 11 quận khoảng một tuần sau đó, ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 7/ 2 nhưng được gia hạn một tháng cho 10 khu vực được chọn bao gồm cả Tokyo.

Chỉ số trên cũng ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 (ở mức 17 điểm), tháng mà Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp đầu tiên, có hiệu lực trên toàn quốc trong khoảng một tháng.

Văn phòng Nội các cũng đã hạ đánh giá trong tháng thứ ba liên tiếp, đồng thời nhận định nền kinh tế gần đây đang suy yếu do tác động của các đợt lây nhiễm COVID-19 mới.

Minh Hằng