|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trước khi bị mua lại 0 đồng, Ngân hàng Xây dựng có giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cp

10:42 | 06/08/2016
Chia sẻ
Theo đại diện của NHNN, vào thời điểm NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng thì không có nhà đầu tư nào mua lại ngân hàng và theo các định giá của đơn vị độc lập EY, VNCB lúc đó có giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu.

Vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều tình tiết mới khi tòa xét hỏi những bên liên quan.

Chiều qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hòa có mặt tại tòa để trả lời các câu hỏi liên quan trách nhiệm của cơ quan này trong việc tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng.

Trong đó đáng chú ý trong phần Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh hỏi đại diện NHNN, dựa vào cơ sở pháp lý nào, lý do gì NHNN lại mua ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng và cơ quan này có công bố thông tin cho hơn 500 cổ đông ngân hàng biết hay không?

Đây là lần đầu tiên luật sư hỏi trực tiếp và công khai với đại diện NHNN về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Hòa lý giải việc NHNN mua Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, NHNN dựa trên Luật các tổ chức tín dụng, Luật NHNN và một số văn bản liên quan.

Bà Hòa cho biết thêm, giá cả giao dịch phải phù hợp giá trị. Không có nhà đầu tư nào mua lại Ngân hàng xây dựng và theo các định giá của đơn vị độc lập EY thì cơ sở để mua lại giá 0 đồng Ngân hàng Xây dựng là do Ngân hàng xây dựng lúc đó có giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu. Và thực trạng này cũng đã được công bố cho 554 cổ đông của Ngân hàng xây dựng tại Đại hội cổ đông của ngân hàng.

"Theo các quy định của luật các tổ chức tín dụng, luật ngân hàng, cụ thể là quy định 48 sẽ có trình tự là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các nhà đầu tư, cổ đông biết và có ý kiến và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng yếu kém của ngân hàng. Đã bao giờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho cổ đông Ngân hàng xây dựng thực hiện quyền này của mình chưa? Giữa giải pháp mua lại 0 đồng và cho ngân hàng yếu kém đó phá sản thì có khi nào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến phương án cho phá sản không?", vị luật sư hỏi thêm. Tuy nhiên, đại diện NHNN đã xin phép không trả lời câu hỏi này.

Trả lời câu hỏi luật sư về chấp thuận tái cơ cấu Đại Tín, bà Hòa cho biết, việc phê duyệt tái cơ cấu diễn tra trong nhiều bước khác nhau từ chủ trương, chấp thuận nhóm cổ đông mới và chấp thuận đề án tái cơ cấu.

Về thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và nghĩa vụ giữa nhóm Phú Mỹ (đại diện bà Hứa Thị Phấn) và nhóm cổ đông mới (đại diện là Phạm Công Danh), NHNN không có nghĩa vụ phải phê duyệt thỏa thuận này. Thỏa thuận chuyển nhượng giữa hai bên là giao dịch dân sự.

Về việc đổi tên từ Đại Tín sang VNCB, NHNN căn cứ vào các quy định của lĩnh vực ngân hàng và luật doanh nghiệp để xử lý. Bên cạnh đó, NHNN cũng không phê chuẩn chức danh của các tổ chức tín dụng. “Về mặt pháp lý, người đại diện pháp luật quy định căn cứ vào điều lệ của ngân hàng”, đại diện NHNN cho biết.

Trả lời câu hỏi về chi phí chăm sóc khách hàng, đại diện NHNN cho biết, theo quy định không được huy động vượt trần lãi suất. NHNN phát hiện và đã xử lý nhiều vi phạm. NHNN cũng đã có văn bản chấn chỉnh về lãi suất. Cũng theo thông tin của đại diện NHNN dựa vào báo cáo kiểm toán độc lập tính đến ngày 30/11/2014 việc kinh doanh của VNCB đã âm khoảng 27.000 tỷ đồng.