|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc tốn công kiểm soát, nay lại phải viện tới sự giúp đỡ của các công ty công nghệ

10:28 | 04/05/2022
Chia sẻ
Alibaba, JD.com và Meituan có mạng lưới phân phối ấn tượng để cung cấp hàng hóa cho các thành phố bị phong tỏa vì COVID-19. Cho nên gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ sự tăng trưởng lành mạnh của các công ty nền tảng này.

Big Tech Trung Quốc nhiều khả năng đang phải cung cấp dịch vụ phân phối hàng hóa với mức lỗ lớn. (Hình minh họa: Alex Santafé)

Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch siết chặt gọng kìm lên các công ty công nghệ hàng đầu (Big Tech) vào cuối năm 2020, khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Goldman Sachs ước tính trong năm qua, các công ty công nghệ đã mất tới 2.000 tỷ USD vốn hóa thị trường, tương đương 11% GDP toàn Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh có vẻ đã nới tay một chút.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị tháng 4, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng lành mạnh của các công ty nền tảng này. Liệu đây có phải lúc nhà đầu tư nên đánh giá lại cổ phiếu công nghệ Trung Quốc?

Trong lúc cả nước chạy đua để khống chế biến chủng Omicron với các lệnh phong tỏa diện rộng, chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu nhìn nhận sự hữu dụng của Big Tech. Các công ty như Alibaba, JD.com và Meituan đã xây dựng các hệ thống phân phối hiệu quả, thu mua sản phẩm tươi từ nông dân và huy động lượng lớn lao động nhập cư để giao hàng nhanh chóng.

Khi hàng triệu người Trung Quốc không thể ra khỏi nhà để mua đồ, Big Tech thực sự có ích. Theo chính quyền Thượng Hải, các công ty công nghệ đã điều động khoảng 20.000 tài xế để thực hiện trung bình 2,5 triệu đơn hàng mỗi ngày cho 25 triệu dân cư đã phải sống dưới lệnh phong tỏa toàn bộ từ ngày 1/4.

Đòi hỏi chút hy sinh

Dẫu vậy, mối quan hệ giữa Big Tech và chính phủ Trung Quốc vẫn không dễ chịu. Chính phủ Bắc Kinh từng lo ngại rằng các công ty công nghệ đã được hưởng lợi quá lâu nhờ các chính sách thuế hào phóng.

Theo Bloomberg, tuy thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Trung Quốc là 25% nhưng các công ty công nghệ lại trả ít hơn. Những doanh nghiệp được xếp hạng là công nghệ cao được hưởng thuế suất 15%. Thậm chí những doanh nghiệp được coi là sản xuất phần mềm thiết yếu chỉ phải đóng 10%. Những doanh nghiệp khác phải đóng nhiều hơn hẳn.

Theo Bernstein Research thì trong năm 2019, các nhà sản xuất rượu cao cấp thuộc sở hữu nhà nước như Kweichow Moutai và Wuliangye Yibin lần lượt đóng góp 61% và 45% tổng doanh thu cho nhà nước. Alibaba và Tencent chỉ nộp 4%. Các công ty thương mại điện tử nhỏ hơn như Pinduoduo và JD.com gần như không đóng góp gì.

Do đó, chính phủ Trung Quốc chẳng ngại ngần gì khi đòi hỏi sự hy sinh của các công ty công nghệ lúc này. Ví dụ, dịch vụ vận chuyển hàng tạp hóa của Big Tech trong các thành phố bị phong tỏa nhiều khả năng là chịu lỗ lớn.

Thuê tài xế rất đắt đỏ. Thường thì tài xế giao hàng không thể về nhà vào cuối ngày và chính phủ muốn hạn chế giao thông vào và ra khỏi các khu vực dân cư. Do đó, doanh nghiệp thương mại điện tử phải cung cấp chỗ ở để tránh nguy cơ bị báo đài đăng tin là để cho tài xế ngủ dưới gầm cầu vào buổi đêm.

Ngoài yêu cầu công ty công nghệ đóng thêm thuế, chính phủ Trung Quốc đôi khi cũng đòi hỏi họ cung cấp các dịch vụ thiết yếu mà những doanh nghiệp hướng tới lợi nhuận thường sẽ lảng tránh.

Giờ đây, doanh nghiệp Trung Quốc nên được định giá như thế nào? Liệu chúng vẫn còn là cổ phiếu tăng trưởng, hay đã trở thành các công ty tiện ích cung cấp dịch vụ cơ bản cho hộ gia đình? Những nhà đầu tư muốn bắt đáy chứng khoán Trung Quốc sẽ phải tự đưa ra quyết định.

Giang