Trung Quốc: 'Thỏi nam châm' đối với thịt heo Việt Nam
Giá heo hơi Trung Quốc cao gấp đôi Việt Nam - Sức hút khó cưỡng đối với các thương lái
Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc nhiều thương lái thu mua heo hơi Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc do nước này đang thiếu hụt nguồn cung.
Để làm rõ vấn đề này, người viết đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư Kí Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam.
Theo đó, ông Thắng xác nhận hiện tượng bán "chui" heo sang Trung Quốc là có xảy ra, nhất là khu vực biên giới.
"Với tình hình giá heo hơi Trung Quốc hiện nay đã vượt 100.000 đồng/kg, mức độ chênh lệch giá quá lớn so với Việt Nam, nhiều thương lái khu vực biên giới bán "chui" heo sang Trung Quốc. Lợi nhuận lên tới hàng chục nghìn đồng/kg.
Thậm chí, nhiều thương lái phía Nam vận chuyển heo bán sang Trung Quốc mặc dù nguồn cung trong nước vẫn đang thiếu", ông Thắng cho biết.
Hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu thịt heo trầm trọng, khiến giá heo hơi liên tục tăng, phá vỡ kỉ lục năm 2016.
Theo CNBC, giá thịt heo của Trung Quốc trong tháng 8 tăng gần 46,7% so với cùng kì năm ngoái do nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đây là hệ quả của sự bùng phát dịch tả heo châu Phi khiến hàng triệu con heo đã bị tiêu hủy, tương đương khoảng 50% lượng heo của Trung Quốc.Trước đó, tháng 7, giá heo cũng tăng mạnh tới 27% so với cùng kì năm ngoái.
Diễn biến giá heo Trung Quốc giai đoạn 1/2018 - 8/2019. Nguồn: Financial Times tổng hợp
Cập nhật đến ngày 11/9, giá heo hơi cao nhất Trung Quốc được ghi nhận tại Quảng Đông, trung bình đạt 31,67 nhân dân tệ/kg (khoảng 103.000 đồng/kg).
Trong khi đó, ở Việt Nam, giá heo hơi chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, khoảng 50.000 đồng/kg. Thậm chỉ có nơi ở miền Trung, giá heo hơi chỉ khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg.
Sức ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc quá lớn
Ông Thắng cho biết việc thương lái gom heo hơi để bán sang Trung Quốc khiến nguồn cung trong nước vốn đang giảm mạnh do chịu tác động của dịch tả heo châu Phi nay càng thiếu hơn. Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm thậm chí không thu mua heo được từ dân.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến chủ động được chuồng trại nuôi hoặc liên kết thu mua từ các trang trại khác nên không gặp tình trạng thiếu nguồn cung.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kĩ Nghệ Súc Sản (VISSAN) cho biết công ty thu mua heo từ các trang trại lớn như CP nên việc thương lái tăng cường gom hàng không ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu.
Ông Phú nói thêm: "Kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, chúng tôi chỉ dám thu mua heo từ các từ các trang trại kiểm soát dịch bệnh tốt và không thu mua heo từ các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ".
Tuy nhiên, ông Phú cũng tỏ ra lo ngại trước sức ảnh hưởng của thịt trường Trung Quốc đối với giá heo hơi Việt Nam không thể lường trước, kéo theo hoạt động kinh doanh của Vissan cũng gặp nhiều trở ngại.
Mặc dù kết quả kinh doanh quí II của Vissan khả quan khi lợi nhuận sau thuế trong quí II tăng hơn 165% lên gần 61 tỉ đồng, tuy nhiên Phó Tổng giám đốc công ty cũng chỉ kì vọng năm nay đạt kế hoạch do có nhiều yếu tố rủi ro, chủ yếu là đến từ thị trường Trung Quốc.
"Cách đây khoảng 20 ngày, giá heo hơi Việt Nam tăng mạnh tới 9.000 đồng/kg chỉ trong vòng một tuần từ 34.000 đồng/kg lên 43.000 đồng/kg, không ai kịp trở tay.
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, lập tức giá heo hơi lại giảm mạnh. Nếu giả sử không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc, giá heo hơi trong nước ổn định, cung - cầu khớp với nhau và sẽ không có tình trạng giá heo nguyên liệu tăng - giảm đột ngột", ông Phú thông tin.
Cũng theo ông Phú, hiện nay công ty đang khảo sát giá heo ở một thị trường nước ngoài để xem xét việc nhập khẩu thịt nguyên liệu về chế biến trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Cần siết chặt việc xuất khẩu trái phép thịt heo
Trước tình trạng thương lái tăng cường thu gom heo hơi bán sang Trung Quốc, ông Thắng mong muốn Chính phủ siết chặt đường biên giới để ngăn chặn việc xuất khẩu heo "chui" để tránh việc thất thoát heo nhất là trong bối cảnh thị trường trong nước đang thiếu hụt nguồn cung.
"Nếu không ngăn chặn được việc này, cộng thêm việc dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp và bà con lo ngại tái đàn, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ thiếu một lượng heo rất lớn. Theo dự đoán của các chuyên gia, Việt Nam có thể thiếu khoảng 500.000 tấn thịt heo trong năm nay", ông Thắng nói.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ước tính tổng số heo của cả nước tháng 8 giảm khoảng 18,5% so với cùng thời điểm năm 2018 do chịu tác động của dịch tả heo châu Phi.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo người chăn nuôi cần hết sức thận trọng trong việc tái đàn, cần chú ý các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của thú y cơ sở, chỉ tăng đàn khi đã đảm bảo các điều kiện về phòng bệnh.
Cơ quan này cũng dự báo giá heo sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Mỹ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, lượng heo thịt trong dân không còn nhiều.
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng với đà tăng này, giá thịt heo hơi có thể lên mức 60.000 đồng/kg trong năm nay.