|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc thiếu phương pháp chẩn đoán virus corona hiệu quả, thế giới chạy đua giúp sức

15:11 | 11/02/2020
Chia sẻ
Thiếu bộ dụng cụ thử nhanh virus corona dẫn đến chẩn đoán bệnh sai và tốn thời gian là bài toán khó mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Tuy vậy, các nhà khoa học từ khắp Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Mỹ, Việt Nam,...đang nỗ lực để cho ra nhiều phương pháp chẩn đoán chính xác hơn nhằm giảm bớt áp lực khám, chữa bệnh cho hệ thống y tế.

Câu chuyện của gia đình một người dân Vũ Hán và bài toán về công cụ chẩn đoán virus corona

Anh William Yang, một cư dân Vũ Hán, từng cực kì lo lắng. Trong hơn một tuần, mẹ anh (57 tuổi) xuất hiện triệu chứng cảm lạnh, sau đó sốt cao và khó thở, nhưng phải đến hôm 6/2 bà mới được xem là một trường hợp nhiễm dịch virus corona.

South China Morning Post (SCMP) cho biết cuộc hẹn thăm khám lần đầu tiên cho mẹ của anh Yang vào ngày 1/2 đã bị hủy do thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm. Hai ngày sau, các nhân viên y tế đã tìm được một trong những bộ dụng cụ xét nghiệm cuối cùng theo hạn ngạch phân bổ hàng ngày ở một bệnh viện khác.

Mặc dù ban đầu anh Yang cảm thấy nhẹ nhõm khi mẹ anh cho kết quả âm tính với virus corona, thể trạng của bà xấu đi và sau lần xét nghiệm thứ hai, bà mới được chẩn đoán là dương tính với chủng virus nCoV gây bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tuy vậy, bà vẫn phải đợi thêm một ngày mới có giường bệnh.

"Gia đình chúng tôi đã lãng phí nhiều ngày liền", anh Yang chia sẻ trên điện thoại. "Ban đầu bệnh viện không đủ bộ dụng cụ chẩn đoán, sau đó kết quả xét nghiệm bị sai". Anh Yang cho biết tính đến hôm 10/2, tình hình của mẹ anh vẫn chưa cải thiện.

Dịch virus corona khởi phát từ Vũ Hán và lây lan nhanh chóng, hiện nay số ca tử vong do virus corona gây ra trên toàn cầu đã vượt qua số trường hợp tử vong do dịch SARS.

Các nhà khoa học từ Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Singapore và Mỹ đã tham gia nỗ lực chung nhằm phát triển các phương pháp xét nghiệm hiệu quả, giúp đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán cho bệnh nhân.

Tình trạng thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm và tính sai lệch về mặt kĩ thuật của các bộ dụng cụ này đã làm trầm trọng thêm tình hình. Theo SCMP, điều này có thấy số ca nhiễm virus corona trên thực tế có thể cao hơn số liệu chính thức.

Để giải quyết thách thức trên, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt cho 7 bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona sử dụng phương pháp phân tích axit nucleic trong vòng hai tuần qua.

Các công ty đã phát triển 7 bộ dụng cụ trên gồm BGI Group, Liferiver, Shanghai GeneoDx, DAAN Gene, Sansure Biotech, Shanghai BioGerm và Shanghai Huirui Biotechnology.

Phương pháp xét nghiệm axit nucleic, lần đầu được phát triển trong dịch SARS năm 2003, chiết tách axit nucleic từ mẫu chất nhầy trong mũi hoặc cổ họng bệnh nhân để xác định có sự hiện diện của virus corona hay không vì axit nucleic chứa thông tin di truyền của chủng virus này.

Theo SCMP, phương pháp xét nghiệm axit nucleic thường chỉ mất vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, quá trình này gồm nhiều bước nên sai sót ở bất kì bước nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, bà Li Yan, trưởng trung tâm xét nghiệm tại Bệnh viện Trung Nam (thuộc Đại học Vũ Hán), cho hay.

Chia sẻ trên đài truyền hình quốc gia CCTV, ông Wang Chen - Chủ tịch Viện Khoa học Y tế Trung Quốc, cho biết tỉ lệ chính xác của phương pháp xét nghiệm axit nucleic chỉ rơi vào khoảng 30 - 50%.

Đây là lí do tại sao trường hợp của mẹ anh Yang lại bị chẩn đoán sai trong lần thử đầu tiên, và đây chắc chắn không phải là trường hợp sai sót duy nhất.

Một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản (có trụ sở tại Bắc Kinh) cho kết quả âm tính ba lần nhưng cuối cùng được xác nhận là nhiễm virus corona sau khi một mẫu dịch bên trong phổi cho kết quả dương tính.

Trung Quốc thiếu phương pháp chẩn đoán virus corona hiệu quả, thế giới chạy đua giúp sức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tân Hoa Xã

Chưa có phương pháp nào xét nghiệm virus corona chính xác hơn ngoài chiết tách axit nucleic?

Chỉ thị mới nhất của các cơ quan y tế Trung Quốc nêu rõ kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính là cách duy nhất để xác nhận một trường hợp có nhiễm virus corona hay không. Thông tin này đã dấy lên làn sóng tranh cãi xoay quanh các phương pháp thay thế như CAT (chụp cắt lớp vi tính).

Tuy nhiên, phương pháp CAT cũng có thiếu sót riêng. Bà Li Yan của Bệnh viện Trung Nam cho hay chụp cắt lớp vi tính chỉ có thể tiết lộ các triệu chứng ở phổi và vì nhiều loại virus khác cũng có triệu chứng tương tự nên đây không phải là công cụ xét nghiệm chính xác nhất cho chủng virus corona.

Bà Li cho rằng tình trạng thiếu hụt bộ xét nghiệm đã giảm bớt kể từ tuần trước, sau khi số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh bắt đầu vượt qua số ca bệnh đang bị nghi ngờ.

Ngay cả anh Yang cũng nhận thấy chuyển biến mới. Khi mẹ anh lần đầu được chẩn đoán tại Bệnh viện Nhân dân số 3 của tỉnh Hồ Bắc hôm 3/2, số lượng bộ dụng cụ thử được phân bổ hàng ngày cho bệnh viện này chỉ là 70 nhưng hai ngày sau đó đã tăng lên 100 bộ.

Bộ dụng cụ xét nghiệm axit nucleic đến ngày 16/1 mới có sẵn ở tỉnh Hồ Bắc. Trước đó, các mẫu thử sẽ được chuyển đến Bắc Kinh và phải mất ít nhất ba ngày mới có kết quả.

Hiện nay, gần 100 phòng thí nghiệm trên khắp tỉnh Hồ Bắc có thể tiến hành phân tích mẫu thử trong 5 giờ đồng hồ. Hôm 5/2, Nhật báo Hồ Bắc đưa tin Vũ Hán, tâm dịch virus corona, có thể thực hiện 4.000 mẫu thử mỗi ngày.

Các nước đẩy nhanh việc ra mắt bộ dụng cụ thử virus corona, hai nhà khoa học Việt Nam cũng góp sức

BGI Group (có trụ sở tại Thâm Quyến) là đơn vị đầu tiên trong số 7 công ty đẩy nhanh việc ra mắt bộ xét nghiệm nhanh. Trả lời SCMP, đại diện BGI Group cho hay họ đã phát triển sản phẩm trên trong chưa đầy hai tuần và nhận được phê chuẩn của cơ quan địa phương 12 ngày sau đó.

Liferiver, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở ở Thượng Hải, mất 20 ngày nghiên cứu bộ dụng cụ xét nghiệm trước khi ra mắt thị trường, SCMP dẫn lời đại diện Liferiver cho hay. Quá trình nghiên cứu như vậy thường phải mất 2 - 3 năm mới hoàn thiện.

7 công ty nêu trên có thể cung cấp tổng cộng khoảng 1 triệu bộ dụng cụ thử/ngày. BGI cho hay các cơ quan nhà nước tại Trung Quốc đã cấp cho họ ưu đãi đặc biệt về logistics nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho một trong các cơ sở sản xuất của BGI tại Vũ Hán.

Cuối tuần qua, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã kêu gọi phát triển thêm nhiều công nghệ xét nghiệm mới có thể thực hiện nhanh chóng tại chỗ.

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, các nhà khoa học Hong Kong và Macau cũng đã cho ra phương pháp chẩn đoán có thể cho kết quả sau 40 phút. Các phương pháp này đã được sử dụng hoặc thử nghiệm ở một số trung tâm kiểm soát bệnh dịch ở Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, Veredus Laboratories (đặt trụ sở ở Singapore) đã công bố một bộ xét nghiệm cầm tay có thể phát hiện virus corona, MERS, SARS và một số nhóm virus khác trong một phép thử.

Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuần trước đã nhanh chóng phê duyệt một bộ dụng cụ xét nghiệm mới và sẽ đưa sản phẩm mới vào sử dụng ở những phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn trên cả nước.

Hôm 7/2 vừa qua tại Hà Nội, hai nhà khoa học gồm Tiến sĩ Lê Quang Hòa và Tiến sĩ Nguyễn Lê Thu Hà tuyên bố đã nghiên cứu thành công bộ dụng cụ thử nhanh virus corona sinh phẩm RT-LAMP.

Sinh phẩm RT-LAMP là một kĩ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. Bộ dụng cụ này có thể cho kết quả sau 70 phút thay vì 9 tiếng như thông thường.

Yên Khê