|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc siết hải quan, 2019 sẽ khó khăn với ngành gạo?

07:02 | 12/04/2019
Chia sẻ
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo 2019 có thể là năm khó khăn đối với ngành gạo khi Trung Quốc có thể giải phóng kho dự trữ, mặc dù nước này tuyên bố tiếp tục nhập khẩu 5,3 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo ảm đạm trong quí đầu năm

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 658.000 tấn với giá trị đạt 281 triệu USD.

Con số này đưa khối lượng xuất khẩu gạo trong quí I ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm tới 20,2% về giá trị so với cùng năm 2018. 

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong quí I là kim ngạch xuất khẩu gạo sang Angola tăng tới 9,5 lần so với cùng kì năm ngoái. Tại thị trường Bờ Biển Ngà, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng tới 6,1 lần.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần. 

Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm giảm tới 17,8% so với năm ngoái xuống 404 USD/tấn.

Trung Quốc siết hải quan, 2019 sẽ là năm khó khăn với ngành gạo? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giải thích nguyên nhân hoạt động xuất khẩu gạo ảm đạm trong đầu năm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cho biết quý I trải qua Tết Nguyên Đán do vậy các đơn hàng chưa được triển khai.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau Tết, các doanh nghiệp chưa chủ động, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc xuất hiện thách thức mới.

Ông Hòa cho biết các doanh nghiệp đối tác xuất khẩu gạo của Trung Quốc cũng đang lo ngại về việc siết chặt hoạt động nhập khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng.

Trước đó, cuối tháng 12/2018, đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay 3 trong số 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị nước này từ chối nhập khẩu do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Phía Trung Quốc cho biết họ đã theo dõi ba doanh nghiệp này một thời gian dài và đã phát hiện nhiều vi phạm.

Trước đây, Trung Quốc còn khá dễ tính trong việc kiểm soát gạo nhập khẩu. Giai đoạn 2014 - 2015, một số doanh nghiệp còn xuất khẩu gạo qua đường biên mậu.

Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc nhận thấy nếu nhập khẩu gạo qua đường biên mậu thì nguy cơ sẽ hạn ngạch sẽ bị phá vỡ. Cuối cùng, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu qua đường này khiến hàng loạt lô hàng gạo với số lượng lên tới hàng chục nghìn tần bị tắc ở cửa khẩu.

Ông Hòa thông tin, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã có báo cáo đánh giá năng lực các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gửi cho hải quan Trung quốc, cũng như xem xét lại việc giám sát với ba doanh nghiệp bị cấm. Các doanh nghiệp này đang chờ hải quan Trung Quốc thông qua để tiếp tục xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Trước tình hình khó khăn ngành gạo, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo

Do đó, trong tháng 3, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu tích cực mua vào và chương trình tạm trữ gạo của Chính phủ.

Giá lúa/gạo tại một số tỉnh ĐBSCL. (Số liệu: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Tổng hợp: Đức Quỳnh)

Tỉnh

Loại lúa/gạo

Giá (đồng/kg)

Tăng/giảm (đồng/kg)

An Giang

Lúa tươi IR50404

4.750

450

Lúa OM 5451

4.800

100

Lúa OM 4218

4.600

250

Lúa OM 1490

5.000

200

Gạo tẻ IR50404

10.000

-

Gạo chất lượng cao

13.000

-

Gạo thơm đặc sản jasmine

14.000

-

Bạc Liêu

Lúa tài nguyên mới

7.200 – 7.400

-

Các loại lúa chất lượng cao

4.700 – 4.800

Kiên Giang

Lúa IR50404

5.400

Lúa OM 4218

5.500 –5.700

100

Lúa OM 6976

5.500 – 5.600

-100

Lúa Jasmine

6.000 – 6.100

-200


Bộ Công Thương sẽ đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc

Mặc dù quý I, thị trường lúa gạo có khó khăn, tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo sang quý II sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo của Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. 

Do đó, một số doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng. Ai Cập vừa mở thông báo mời thầu gạo trắng hạt ngắn, hạt trung bình, mở cho tất cả nhà thầu quan tâm cả trong nước và nước ngoài, hạn nộp hồ sơ thầu là 30/4.

Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể, ông Hòa dự báo 2019 có thể là năm khó khăn đối với ngành gạo khi Trung Quốc có thể giải phóng kho dự trữ mặc dù nước này tuyên bố tiếp tục nhập khẩu 5,3 triệu tấn gạo.

Dù vậy Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản vẫn tỏ ra lạc quan khi kì vọng hoạt động xuất khẩu gạo chất lượng cao sang Trung Quốc tăng trở lại sau khi nước này công bố 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu. 

Ngoài ra, ông Hòa cho biết thêm Bộ Công Thương sẽ đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Indonesia công bố có lượng gạo dự trữ sẽ hết tháng 6.

"Do vậy, hi vọng quý III, IV, thị trường này sẽ tăng nhập khẩu gạo. Dự báo giá lúa sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 4 do kết thúc vụ thu hoạch đông xuân 2018 - 2019", ông Hòa nói.


Đức Quỳnh