|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ làm vũ khí mạnh mẽ ngay cả khi căng thẳng với Mỹ lan rộng

07:33 | 17/07/2020
Chia sẻ
Theo chuyên gia của Morgan Stanley, Trung Quốc không muốn đồng tiền của mình quá biến động để tiếp tục hướng đến việc trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới, ngay cả khi có những vòng căng thẳng thương mại mới xuất hiện.
Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ làm vũ khí mạnh mẽ ngay cả khi căng thẳng với Mỹ lan rộng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: cna.com).

Trao đổi với CNBC, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley nhận định rằng Trung Quốc khó có thể sử dụng tiền tệ một cách mạnh mẽ như một công cụ chống lại Mỹ, ngay cả khi căng thẳng tiếp tục lan rộng giữa hai gã khổng lồ kinh tế.

"Tôi nghĩ rằng có một xu hướng khác đang nổi lên... Trung Quốc không muốn đồng tiền của mình quá biến động hoặc được coi là một loại tiền tệ không đủ ổn định để trở thành một loại tiền tệ dự trữ lâu dài", nhà phân tích Chetan Ahya của Morgan Stanley nói với CNBC hôm thứ Năm. 

Hiện nay, đồng USD là tiền tệ dự trữ thế giới, nhưng Trung Quốc đã và đang thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn trên phạm vi quốc tế.

Đồng nhân dân tệ yếu là nơi khởi nguồn tranh chấp chính giữa Mỹ và Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc nước này đã cố tình để đồng tiền của mình trượt giá để hỗ trợ xuất khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Năm ngoái, chính quyền Trump đã gán mác "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cho phép đồng nhân dân tệ lần đầu tiên giảm giá xuống 7 CNY/USD sau 11 năm, ngưỡng tâm lí được các nhà đầu tư theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, tỷ giá đồng tiền này đều đã tăng mạnh từ mức yếu nhất vào khoảng 7,17 CNY/USD trong tháng 5 và hiện tại giao dịch ở ngưỡng 6,9868 CNY/USD trong nội địa và 6,9872 CNY/USD ở nước ngoài vào sáng ngày 16/7.

Bắc Kinh sẽ không sử dụng tiền tệ làm vũ khí mạnh mẽ

Theo CNBC, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây sau khi đại dịch COVID-19 khởi phát và việc chính quyền Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. 

Vào thứ Ba tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã kí một sắc lệnh chấm dứt chế độ ưu đãi mà Hong Kong đang nhận được và Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa hành động đó.

Tiếp đó vào thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ông Ahya nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ không sử dụng tiền tệ một cách mạnh mẽ, ngay cả khi có những vòng căng thẳng thương mại mới xuất hiện. Chúng tôi nghĩ rằng trong bối cảnh địa chính trị tiếp diễn, họ sẽ tập trung hơn vào việc cố gắng giữ ổn định hơn để có thể được coi là một loại tiền tệ có giá trị lưu trữ, thu hút mọi người đầu tư vào tài sản của Trung Quốc."

Trung Quốc đã có một số bước tiến trong việc quốc tế hóa việc sử dụng đồng nhân dân tệ khi tài sản của Trung Quốc ngày càng được giao dịch trên thị trường toàn cầu, điều này dẫn đến nhiều người nước ngoài cần giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Những cổ phiếu của Trung Quốc đại lục đã được đưa vào vào các chỉ số toàn cầu và khu vực của MSCI. Đồng thời, cổ phiếu hay trái phiếu của Trung Quốc nằm trong chỉ số Bloomberg Barclays đều được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Trên thực tế, Goldman Sachs dự đoán rằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng mạnh lên 6,7 CNY/USD trong 12 tháng tới khi nền kinh tế trong nước chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ từ cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong một báo cáo tuần trước, ngân hàng đầu tư này cho rằng các nhà đầu tư có thể nhìn tới những yếu tố khác xung quanh mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Dữ liệu bỏ phiếu tại Mỹ chỉ ra có nhiều khả năng kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu và chiến thuật chính sách đối ngoại của nước này.

Cùng với đó, các yếu tố cơ bản trong nước của Trung Quốc đang có vẻ ngày càng vững chắc: tăng trưởng vẫn mạnh mẽ, virus được kiểm soát, thặng dư thương mại mở rộng và cả thị trường vốn và lãi suất đều tăng cao, báo cáo của Goldman Sachs cho biết.

Diệp Bình