Trung Quốc phản đối lệnh bán TikTok, chưa bao giờ yêu cầu cung cấp dữ liệu về người dùng Mỹ
Mới đây, Trung Quốc cho biết họ “kiên quyết phản đối” bất kỳ bất kỳ hành vi nào ép buộc công ty mẹ ByteDance bán TikTok. Điều này diễn ra trùng với thời điểm CEO TikTok Shou Zi Chew tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, theo Financial Times.
“Việc buộc bán TikTok sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả từ Trung Quốc, khi đầu tư vào Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó”, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, đồng thời cảnh báo việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến việc “xuất khẩu công nghệ” phải được chính phủ Trung Quốc chấp thuận.
TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, được hơn 150 triệu người Mỹ sử dụng. Các quan chức Hoa Kỳ đã trích dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia để yêu cầu các chủ sở hữu Trung Quốc bán cổ phần của họ trong công ty truyền thông xã hội hoặc có khả năng phải đối mặt với lệnh cấm toàn diện ở quốc gia này.
Công ty từng phải đối mặt với những yêu cầu tương tự vào cuối nhiệm kỳ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc các quan chức Trung Quốc cuối cùng đã bổ sung các thuật toán đề xuất cá nhân vào danh sách xuất khẩu bị kiểm soát của mình để đảm bảo họ có thể ngăn chặn một thỏa thuận như vậy.
Bắc Kinh cũng đã bổ nhiệm một quan chức làm giám đốc tại đơn vị chính của ByteDance ở Trung Quốc, đơn vị đã phát triển thuật toán TikTok, người có quyền bỏ phiếu về bất kỳ hoạt động tách rời hoặc thoái vốn nào.
TikTok trong nhiều năm đã cố gắng thể hiện mình là công ty toàn cầu, có quan hệ hạn chế với chính phủ Trung Quốc, nhưng các chính sách của Bắc Kinh đối với ứng dụng này sẽ khiến việc bán TikTok trở nên khó khăn hơn.
“Những yêu cầu mà phía Mỹ đang đưa ra, không đời nào chính phủ Trung Quốc chấp nhận. Ngay cả đối với ByteDance, việc chấp nhận điều đó cũng rất khó khăn. Nếu không thỏa hiệp, cuối cùng cả hai bên đều sẽ là người thua”, Li Chengdong, đại diện viện nghiên cứu công nghệ Haitun cho biết.
Trong lời khai bằng văn bản được đăng trước phiên điều trần, CEO TikTok cho biết: “TikTok chưa bao giờ chia sẻ hoặc nhận được yêu cầu chia sẻ dữ liệu về người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc. TikTok cũng sẽ không làm như vậy nếu có một yêu cầu tương tự được đưa ra”.
CEO TikTok cũng cho biết rằng 60% cổ phần ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, trong khi 20% thuộc sở hữu của nhân viên và 20% còn lại thuộc sở hữu của người sáng lập Zhang Yiming. Tuy nhiên, lời khai của ông không đề cập đến việc nhà sáng lập TikTok có quyền biểu quyết đối với công ty bằng cách sở hữu một loại cổ phần riêng biệt. ByteDance đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Trung Quốc không yêu cầu TikTok cung cấp dữ liệu về người dùng Mỹ
Sau phiên điều trần của CEO TikTok trước Quốc hội Mỹ, phía Trung Quốc cũng rằng họ "chưa bao giờ và sẽ không" yêu cầu TikTok cung cấp thông tin về hàng triệu người dùng Mỹ, theo Asia Nikkei.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning đã bác bỏ những lo ngại rằng TikTok là rủi ro đối với an ninh quốc gia của Mỹ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi cấm ứng dụng TikTok ở quốc gia này.
“Cho đến nay, chính phủ Mỹ không cung cấp bằng chứng nào chứng minh rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng lại liên tục đưa ra các giả định có tội và áp bức công ty một cách vô cớ. Phía Mỹ nên thực sự tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Các bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi ông chủ của TikTok, Shou Zi Chew, phải đối mặt với hàng giờ chất vấn tại phiên điều trần của quốc hội Mỹ, nơi các chính trị gia công khai những nghi ngờ về TikTok.
Ông Chew nói trong phiên điều trần rằng, kể từ khi đảm nhận vai trò CEO vào năm 2021, TikTok chưa bao giờ nhận được yêu cầu từ Bắc Kinh về thông tin về người dùng nước ngoài của mình.
"Điểm mấu chốt là dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu trữ trên đất Mỹ bởi một công ty Mỹ do nhân viên Mỹ giám sát", CEO TikTok Shou Zi Chew nói tại phiên điều trần.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, phiên điều trần của CEO TikTok trước Quốc hội Mỹ đã thu hút được nhiều sự quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng các công ty Trung Quốc không thể hoạt động trên một sân chơi bình đẳng với Mỹ, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc làm mọi cách để ngăn chặn hành động ép ByteDance bán TikTok.
"Mỹ thua xa Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Trung Quốc không nên cho phép các công ty có công nghệ AI cấp cao được bán cho các doanh nghiệp tại Mỹ", Xiang Ligang, người sáng lập hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe 720 Health iTech, chia sẻ trên Weibo