Chân dung CEO đang đứng mũi chịu sào cho TikTok: Tốt nghiệp MBA tại Harvard, từng làm ở Facebook, Xiaomi
Ngày 23/3, CEO TikTok, ông Shou Zi Chew sẽ có mặt tại phiên điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ. Sự kiện này diễn ra sau những lo ngại ngày càng tăng về an ninh quốc gia của Mỹ đối với nền tảng TikTok.
Làn sóng "bài trừ" TikTok đang diễn ra mạnh mẽ từ châu Âu cho tới Mỹ. Các nhà chức trách châu Âu đã đưa ra lệnh cấm ứng dụng TikTok trong các thiết bị công.
Với những nhà lập pháp Mỹ, họ tin rằng dữ liệu người dùng trong nước có thể được TikTok chuyển cho Chính phủ Trung Quốc và sự cứng rắn của Mỹ cũng được thực hiện hóa bằng các động thái quyết liệt.
Tuần trước, cơ quan quản lý Mỹ đã yêu cầu các chủ sở hữu ở Trung Quốc là ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này, nếu không muốn TikTok bị cấm tại Mỹ.
Theo Reuters, trong nỗ lực cứu chữa tình thế, CEO TikTok khẳng định: "TikTok chưa bao giờ chia sẻ hoặc nhận được yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Chính phủ Trung Quốc. TikTok cũng sẽ không làm theo nếu một yêu cầu như vậy được đưa ra".
Ông Shou Zi Chew tiếp tục củng cố quan điểm rằng ByteDance không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nhà nước nào.
"Hãy để tôi tuyên bố điều này một cách dứt khoát: ByteDance không phải là một cơ quan của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào", CEO TikTok cho biết. Đồng thời, ông Shou cho rằng TikTok sẽ có giải pháp thay thế nhằm xoa dịu hoài nghi của giới chức Mỹ về vấn đề an ninh của nền tảng này.
TikTok từng tuyên bố họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho Dự án Texas, một trong những nỗ lực bảo mật dữ liệu cho người dùng Mỹ ở thời điểm Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump gây sức ép lên ứng dụng này. TikTok cũng đang cố gắng thuyết phục Chính quyền Tổng thống Biden ủng hộ kế hoạch này.
Ông Chew cho biết khi quá trình này hoàn tất, toàn bộ dữ liệu được bảo mật của Mỹ sẽ nằm dưới sự bảo vệ của luật pháp Mỹ và dưới sự kiểm soát của nhóm an ninh do Mỹ lãnh đạo. Chính phủ Trung Quốc không có cách nào truy cập hoặc yêu cầu được truy cập các thông tin đó.
Trong hồ sơ phục vụ phiên điều trần, ông Shou Zi Chew cho biết 60% cổ phần của ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu như Blackrock, General Atlantic và Sequoia. Những người sáng lập công ty chỉ nắm giữ khoảng 20% cổ phần. Và 20% còn lại thuộc sở hữu của nhân viên ByteDance - trong đó có hàng nghìn người Mỹ.
Ứng dụng TikTok hiện sở hữu 150 triệu người dùng ở Mỹ và nhóm tuổi trung bình là người trưởng thành, đã qua độ tuổi đại học. CEO TikTok khẳng định các phiên bản hiện tại không thu thập thông tin định vị GPS từ người dùng Mỹ.
Người đang lèo lái TikTok là ai?
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Singapore, ông Shou Zi Chew theo học đại học ở London. Năm 2010, Shou tốt nghiệp bằng MBA tại Trường Kinh doanh Harvard. Ông được tiếp xúc với Thung lũng Silicon khi còn ở Harvard và Shou cũng từng thực tập mùa hè tại Facebook.
Ở thời điểm bắt đầu sự nghiệp, ông Shou làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Á. Năm 32 tuổi, Shou Zi Chew gia nhập đội ngũ C-level của Xiaomi. Ông từng giữ vị trí Giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này và giúp công ty niêm yết vào năm 2018.
Năm 2013, ông từng dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư rót vốn vào ByteDance. Mối quan hệ giữa ông Shou và ByteDance được cho là khá thân thiết. Năm 2021, ông Shou Zi Chew trở thành CEO TikTok.
Hành trình gánh vác trọng trách
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Shou Zi Chew từng mô tả bản thân là một ông bố 40 tuổi có hai con, thích chơi golf và đọc sách về vật lý lý thuyết. Nhưng, lý lịch về quốc tịch luôn là điều mà ông lẫn TikTok muốn nhắc tới nhiều.
Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 6/2022, TikTok đã cố gắng giảm sự liên quan tới công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc. Ứng dụng này cho biết họ được dẫn dắt bởi “Giám đốc điều hành toàn cầu của chính họ, là ông Shou Zi Chew, một người Singapore.”
Đây không phải là lần đầu tiên TikTok sử dụng quốc tịch của CEO để chứng minh. Vào năm 2020, khi phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Chính quyền Donald Trump, TikTok đã bổ nhiệm một người Mỹ là ông Kevin Mayer cho vị trí CEO. Ông là cựu giám đốc điều hành Disney. Tuy vậy, ông Mayer chỉ ngồi ghế CEO TikTok trong ba tháng trước khi từ chức.
TikTok đã buộc phải tạm thời bổ nhiệm bà Vanessa Pappas, một người Úc sống ở Los Angeles (Mỹ), từng làm việc tại YouTube của Google, cho vị trí CEO toàn cầu. Trước đó, bà Pappas đảm nhiệm vị trí COO TikTok. Chưa đầy một năm tại nhiệm, TikTok đã tìm được người thay thế bà Pappas, ông Shou Zi Chew là người được chọn.
Ivan Kanapathy, cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Mông Cổ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết: “Tôi nghĩ họ [TikTok] chọn Shou, vì ông ấy không phải là công dân Trung Quốc và Singapore có truyền thống trung lập, họ khá giỏi về mặt địa chính trị". Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ với chính quyền Washington.