|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc kí nhiều thỏa thuận dầu mỏ sau khi ông Tập chủ trương mở cửa thương mại

23:07 | 18/12/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đã bày tỏ thiện chí sau khi kí một loạt thỏa thuận nhằm tạo cơ hội mới cho các ông lớn ngành dầu mỏ, trong đó có Royal Dutch Shell Plc, hợp tác với doanh nghiệp khai thác dầu lớn nhất quốc gia này.

Ngày 18/12, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết đã kí hợp đồng dầu khí với 9 công ty khác. Lễ kí kết diễn ra theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đánh dấu 40 năm cải cách và nhấn mạnh quyết tâm tham gia thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Các thỏa thuận khai thác sẽ nằm trong phạm vi 64.000 km2 lưu vực sông Châu Giang, đến độ sâu lên tới 3.000 m. Ngoài Tập đoàn Shell của Hà Lan, Total SA của Pháp và Chevron của Mỹ cũng đã kí thỏa thuận thành công. Cả ba ông lớn ngành dầu mỏ đều đang nắm giữ hợp đồng chia sẻ sản phẩm với CNOOC.

Những doanh nghiệp có liên quan còn lại gồm ConocoPhillips, Equinor ASA, Husky Enery, Kuwait Foreign Petroleum Exploration, Roc Oil, và SK Innovation.

trung quoc ki nhieu thoa thuan dau mo sau khi ong tap chu truong mo cua thuong mai

“Không phải ngẫu nhiên mà CNOOC đưa ra tuyên bố vài tiếng đồng hồ sau phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, Tian Miao, nhà phân tích của Everbright Sun Hung Kai tại Bắc Kinh, nhận định.

“Có thể hiểu rằng đây là một trong những hành động thật sự Trung Quốc đưa ra để chứng minh họ đang mở rộng giao thương với toàn bộ thế giới”.

Gia tăng sản lượng

Kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1980, CNOOC đã kí hơn 200 hợp đồng Chia Sản phẩm Dầu khí (PSC), ngay cả khi tập đoàn này ngày càng phụ thuộc vào nguồn lực của chính mình để khai thác các dự án nước sâu ở vùng biển Trung Quốc, gần đây nhất là mỏ khí khổng lồ Lingshui 17-2 tại biển Đông.

Sau lời kêu gọi tăng cường an ninh năng lượng vì nhập khẩu gia tăng cũng như tranh chấp thương mại với Mỹ, tập đoàn đã cam kết tăng đầu tư và sản lượng.

“Các thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho việc thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài và ổn định, cũng như chia sẻ cơ hội phát triển nhất định trong các Khu vực Hợp tác Chiến lược (SCA), từ đó tạo tiền đề cho việc kí thỏa thuận cuối cùng”, đơn vị niêm yết của CNOOC tuyên bố.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Yang Hua cho biết, mục tiêu của Tập đoàn là tăng sản lượng dầu mỏ lên 2 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2025, so với mức 1,3 triệu trong năm 2017.

Các thỏa thuận với doanh nghiệp nước ngoài có thể mở rộng hợp tác với khu vực địa lí khác, thay vì chỉ hợp tác trong nước.

Ông Yang nói thêm, chính quyền cũng đang nghiên cứu chính sách để hỗ trợ khai thác và phát triển dầu khí xa bờ và cho rằng ngành dầu khí sẽ mở ra cuộc chơi cho nhiều doanh nghiệp quốc tế.

Là tập đoàn nhỏ nhất trong ba tập đoàn dầu khí lớn tại Trung Quốc, CNOOC chính là “phương tiện” ưa thích của Trung Quốc trong quá trình hợp tác quốc tế cũng như giữ vai trò lớn về nguồn trữ lượng tại vùng biển thuộc quốc gia này.

Khoảng ba phần tư hệ thống sản xuất xa bờ của CNOOC đang được tiến hành độc lập, phần còn lại phải chịu sự ràng buộc trong PSC, bao gồm cả các thỏa thuận kí kết với Roc Oil của Australia và Smart Oil LLC của Mỹ. Các thỏa thuận này cho phép CNOOC nhận được đến 51% cơ hội hợp tác thương mại.

“Dưới góc độ kinh doanh, mời các công ty dầu khí quốc tế tham gia thăm dò trong nước giúp cắt giảm rủi ro đầu tư và thu về nhiều kiến thức chuyên môn hơn”, Tian nói. “Điều này chắc chắn sẽ giúp sức không ít trong việc thực hiện lời hứa nhanh chóng tăng sản lượng dầu khí từ các mỏ trong nước của CNOOC”.

Phát biểu của ông Tập tại Bắc Kinh đã làm thất vọng những ai đang kì vọng về những chính sách cụ thể nhằm khắc phục nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, cũng như cho thấy động thái giúp mở cửa thị trường. Thay vào đó, ông Tập tập trung nhiều vào những thành tựu của chính phủ.

Xem thêm

Nyx Tran