|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc không chịu chơi theo luật của người khác

06:12 | 14/07/2020
Chia sẻ
Trong mấy thập kỉ qua, có lẽ Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Ấy vậy nhưng Trung Quốc lại đang quyết tâm lật đổ trật tự này để giành lấy ngôi đầu từ tay Mỹ.
Trung Quốc không chịu chơi theo luật của người khác - Ảnh 1.

Từ xa xưa, Trung Quốc đã tự cho mình là trung tâm của vũ trụ. Ảnh minh họa: Getty Images.

Việc Trung Quốc muốn thay Mỹ đứng đầu trật tự thế giới mới dù được hưởng lợi từ hệ thống cũ có thể là bản chất tự nhiên của một ngôi sao mới nổi.

Trước đây khi còn nhỏ yếu, Trung Quốc không có tiếng nói trong việc lập ra các luật chơi. Giờ đây khi đã lớn mạnh, Trung Quốc không cam tâm tuân theo những ràng buộc do người khác đặt ra.

Tuy nhiên còn một cách giải thích khác là dựa vào cái nhìn từ lịch sử. Trong suốt hơn hai thiên niên kỉ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiếm có khi nào thích chơi theo luật của kẻ khác.

Trung Quốc là trung tâm

Người Trung Quốc cổ đại coi vũ trụ là một hệ thống giai cấp: Trên có trời, dưới có đất, ở giữa trời và đất là Trung Quốc. Trung Quốc nằm ở giữa, ở vị trí trung tâm, xung quanh là các nước chư hầu thấp kém.

Nếu muốn giao thương làm ăn với Trung Quốc, các nước khác sẽ phải cử sứ thần tới triều cống và bày tỏ lòng thần phục hoàng đế Trung Quốc.

Khi Trung Quốc suy vi, các hoàng đế đành miễn cưỡng cúi đầu trước kẻ thù ngoại bang nhưng một khi có cơ hội – dù là mong manh nhất – triều đình Trung Quốc sẽ chớp lấy để giành lại vị thế tối cao, dẫu có phải trả giá rất đắt.

Năm 200 Trước Công nguyên, vị hoàng đế sáng lập triều Hán là Hán Cao Tổ Lưu Bang bị quân Hung Nô từ phương bắc vây khốn, may mắn lắm mới thoát chết. Sau đó nhà Hán hàng năm phải mang lễ vật cống nạp cho Hung Nô để đổi lấy hòa bình.

Tuy quân Hung Nô vẫn thường phá vỡ hòa ước và đem quân qua biên giới quấy phá, nhưng cái giá của việc nhún nhường vẫn rẻ hơn là động binh đao. Dù vậy, thỏa thuận này không thể kéo dài. Đường đường là hoàng đế Trung Hoa, sao có thể hạ mình trước một thủ lĩnh bộ tộc man ri phương bắc?

Một quan đại thần nhà Hán khi đó đã nói với nhà vua: "Chân mệnh thiên tử là phải cai trị bọn chư hầu". Việc nhà Hán phải cúi mình trước Hung Nô thật chẳng khác nào "một người bị treo ngược cành cây, chân cao hơn đầu".

Khoảng 70 năm sau khi kí hòa ước, nhà Hán lúc này đã lớn mạnh hơn xưa, Hán Vũ Đế Lưu Triệt quyết đem quân vượt Nhạn Môn Quan để giao chiến với Hung Nô. Sau hơn 20 năm chiến tranh đẫm máu, nhà Hán mới diệt được mối họa ở biên cương phương bắc.

Hơn 1.000 năm sau, chu kì trên lặp lại dưới thời nhà Tống. Sau khi lập quốc vào năm 960 Sau Công nguyên, nhà Tống lại bị một kẻ địch phương bắc khác đe dọa là quân Khiết Đan. Giống nhà Hán, nhà Tống cũng đồng ý cống nạp cho Khiết Đan để đổi lấy hòa bình.

Về sau những người chủ chiến trong triều đình nhà Tống ngày càng tỏ ra bất mãn, đặc biệt là khi người Khiết Đan không chỉ thành lập triều đại nhà Liêu mà còn thành lập trên vùng lãnh thổ mà nhà Tống nhận là của mình.  

Đến đầu thế kỉ 12, nhà Tống xé bỏ hòa ước đã kí trước đây và liên minh với nước Kim để đánh nhà Liêu. Đến khi Liêu bị diệt thì nhà Kim lại quay sang đánh nước Tống.

Những người cai trị Trung Quốc có thể linh hoạt khi cần thiết. Chẳng hạn sau khi những nhà thám hiểu châu Âu tìm đến Trung Quốc vào thế kỉ thứ 16, quan hệ thương mại tăng trưởng chóng mặt dù người châu Âu không hoàn toàn phù hợp với chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Nhưng chuyện này cũng có giới hạn. Năm 1793 khi Bá tước George Macartney của nước Anh tìm đến Trung Quốc để thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại, nhiệm vụ của ông đã thất bại thảm hại do không chịu khấu đầu 9 cái để tỏ ý thần phục hoàng đế theo đúng tập tục Trung Hoa.

Bá tước Macartney đề nghị được hành lễ trước hoàng đế Trung Hoa bằng cách quì một chân xuống đất như khi ông chào hoàng đế nước Anh. Ông còn muốn một quan chức Trung Quốc ngang hàng với ông cũng quì một chân xuống hành lễ bức chân dung của vua George III mà ông mang theo.

Đương nhiên phía Trung Quốc không đời nào đồng ý một yêu cầu như vậy, trên đời này chỉ có một hoàng đế đích thực là người cai trị Trung Hoa, những lãnh chúa khác chỉ là chư hầu thấp kém.

Kể từ khi thảm bại trong cuộc Chiến tranh Nha phiến trước người Anh năm 1840 tới nay, Trung Quốc đã phải chơi theo luật lệ của phương Tây. Chính quyền Bắc Kinh phải áp dụng chính sách ngoại giao kiểu châu Âu như bao quốc gia khác đang làm.

Trung Quốc nay đã khác xưa

Sự hòa nhập này không mấy vui vẻ nhưng lại mang đến thành công to lớn cho Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc là một ngôi sao đang lên trên trường quốc tế, trở thành siêu cường số hai thế giới là nhờ vào hoạt động thương mại, đầu tư và sự ổn định mà trật tự thế giới do Mỹ thiết lập mang lại.

Dù vậy, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn coi hệ thống của Mỹ là một sự áp đặt của ngoại bang nhằm đẩy Trung Quốc vào vị trí thấp kém trên thế giới.

Nếu không thể lật đổ hoàn toàn hệ thống này, Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm không gian rộng lớn hơn để cai trị theo ý mình – có thể là bằng cách dẹp tan phong trào biểu tình ở Hong Kong hoặc dọa nạt để buộc các nước láng giềng phải nghe lời.

Bloomberg dẫn lời một quan chức ngoại giao Bắc Kinh nói: "Cái ngày mà Trung Quốc phải nhận hiệu lệnh từ người khác đã qua lâu rồi".

Tư tưởng dân tộc này hết sức mạo hiểm. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn rất cần các công nghệ và khoản đầu tư tạo việc làm từ phương Tây. Hành động của Trung Quốc đang khiến các cuộc gia từ Australia đến Ấn Độ tỏ ý đối kháng.

Tuy nhiên nhìn vào những bài học lịch sử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không vì chút thách thức đó mà chùn bước.

Đức Quyền