Trung Quốc khẩn trương trữ hàng hóa chiến lược khi rủi ro chồng chất
Theo Refinitiv, vào tháng 7 năm nay, các tàu chở dầu của Steam and Snow từ Iran đã cập cảng Huệ Châu của tỉnh Quảng Đông, mang theo dầu thô mà nhiều khả năng là dành riêng cho công ty nhà nước China Petroleum & Chemical (hay Sinopec). Nikkei Asian Review cho biết, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một kho dự trữ do nhà nước quản lí tại cảng này vào năm 2010.
Động thái tích trữ hàng hóa chiến lược của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang lo ngại về tác động tiềm tàng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và căng thẳng thương mại với Mỹ. Bắc Kinh đang muốn duy trì kho dự trữ chiến lược lớn để tránh tình trạng thiếu hụt có thể gây bất ổn trong nước.
Trung Quốc được cho là đang mua nhiều hàng hóa trên thị trường giao ngay để bổ sung nguồn cung từ các hợp đồng dài hạn. Theo Nikkei, chính quyền Bắc Kinh đã tận dụng giá dầu lao dốc vào đầu năm nay như một cơ hội để mua thêm hàng vào kho dự trữ chiến lược.
Trung Quốc giữ bí mật thông tin về kho dự trữ quốc gia và hầu như không để lọt dữ liệu nào ra ngoài. Tuy nhiên, Nikkei cho hay vào tháng 8 có thông tin cho biết công ty tư vấn Beijing Antaike Information đã khuyên chính phủ nên tăng kho dự trữ coban thêm 2.000 tấn.
Coban là kim loại sử dụng trong pin lithium-ion và một số thiết bị khác. Trung Quốc đang khuyến khích người dân sử dụng xe điện, nhờ đó thúc đẩy mức tiêu thụ coban trong nước.
Bắc Kinh được cho là đã mua hơn 2.000 tấn coban trong năm 2015 và mua thêm 2.000 tấn khác vào năm 2016. Đại dịch COVID-19 đang làm gián đoạn các chuyến hàng coban từ Cộng hòa Dân chủ Congo, thị trường chiếm phần lớn nguồn cung của thế giới.
Các nhà giao dịch dự đoán giá coban sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, khi nhu cầu của Trung Quốc bắt đầu phục hồi mạnh.
Antaike đã xác nhận với Nikkei rằng họ đưa ra đề xuất trên, dù không cho biết chính xác thời gian mua hàng hóa dự trữ của chính phủ Trung Quốc.
An ninh lương thực
Ngoài dầu mỏ và kim loại, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang thực hiện các bước tương tự để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Luật dự trữ phân bón hóa học có hiệu lực vào tuần trước bao gồm một khoản trợ cấp cho các kho dự trữ kali của doanh nghiệp tư nhân.
Chính sách này được đưa ra nhằm mục đích tăng cường dự trữ các nguồn tài nguyên không dồi dào trong nước như nitơ và phốt pho, cũng như đảm bảo nguồn cung phân bón trong trường hợp lũ lụt hoặc thảm họa thiên nhiên khác khi mà biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn.
Trung Quốc cũng đang dự trữ lượng lớn ngũ cốc, ngoại trừ đậu nành. Trong niên vụ 2019 - 2020, Trung Quốc dự trữ hơn 150 triệu tấn lúa mì (tăng khoảng 30% so với ba năm trước), trong khi dự trữ gạo tăng gần 20% so với cùng kì lên 110 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Cũng trong niên vụ này, dự trữ ngô của Trung Quốc giảm 20 triệu tấn nhưng xu hướng chung là đang tăng dần.
Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã phát động chiến dịch tiết kiệm thực phẩm. Nikkei nhận định, động thái này có hai lí do chính.
Thứ nhất, Trung Quốc đang lo ngại nếu thu hoạch ngũ cốc ở thị trường nước ngoài kém, nước này không thể mua đủ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước.
Năm ngoái, Trung Quốc mua gần 90 triệu tấn đậu nành, chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu đậu nành của đất nước tỉ dân dự kiến sẽ tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế làm thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng.
Một mối lo khác là khả năng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi, cản trở cơ hội tiếp cận thị trường của Trung Quốc.
Đại diện một hãng buôn lớn của Nhật Bản cho hay: "Trung Quốc khó có khả năng trải qua thiếu hụt ngũ cốc trong ngắn hạn, tuy nhiên chính quyền ông Tập đang cân nhắc các rủi ro liên quan đến môi trường quốc tế".
Tin tức hồi tháng 4 cho thấy Trung Quốc đang tích trữ đậu nành, ngô và dầu ăn. Khi lũ lụt tại lưu vực sông Dương Tử có khả năng tiếp diễn và đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy yếu ở nước ngoài, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tiếp tục dự trữ hàng hóa chiến lược, đồng thời sử dụng các giao dịch mua đậu nành và nông sản khác như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Washington.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/