Ít lao động nông thôn, Trung Quốc đối mặt nguy cơ thiếu 130 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2025
Ngày 17/8, Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết đến cuối năm 2025, đất nước tỉ dân có thể thiếu khoảng 130 triệu tấn ngũ cốc. Trong đó, nguồn cung nội địa của ba loại ngũ cốc chủ lực tại Trung Quốc (lúa mì, gạo và ngô) sẽ hụt so với nhu cầu khoảng 25 triệu tấn.
Dự báo của Viện Phát triển Nông thôn cho thấy Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu trong tương lai.
Trong vòng 5 năm tới, tỉ lệ dân sống ở khu vực thành thị so với dân số toàn Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 60,6% vào cuối năm ngoái lên 65,5%. Theo đó, khoảng 80 triệu cư dân nông thôn sẽ dịch chuyển lên thành phố kiếm sống.
Trong cùng giai đoạn trên, tỉ lệ dân cư từ 60 tuổi trở lên ở khu vực nông thôn dự kiến sẽ tăng lên 25,3%.
Viện Phát triển Nông thôn công bố báo cáo mới ngay trong bối cảnh nhiều chuyên gia và chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Đầu tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi lãng phí thực phẩm là vấn đề gây sốc và đáng lo ngại, đồng thời cảnh báo Trung Quốc cần duy trì cảnh giác trước nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Viện Phát triển Nông thôn lưu ý Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống an ninh lương thực quốc gia và nguồn cung chung ở thời điểm hiện tại đang tạm đủ. Tuy nhiên, viện này cũng cảnh báo "về vấn đề mất cân bằng giữa cung và cầu".
Ông Darin Friedrichs - chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn StoneX, cho hay một trong các mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh là khả năng nuôi sống 1,4 tỉ dân.
"Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy kho dự trữ lương thực quốc gia đang bị thiếu. Sản lượng ngũ cốc mà nông dân Trung Quốc thu hoạch được trong mùa hè năm nay đạt 142,8 triệu tấn, tăng 1,21 triệu tấn so với cùng kì năm ngoái", South China Morning Post dẫn lời ông Friedrichs cho hay.
Dù chưa có dấu hiệu nào về tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì và gạo, SMCP cho biết có một số bằng chứng cho thấy nguồn cung ngô đang bị thiếu.
Theo một báo cáo riêng từ Ủy ban Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc (thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc), đất nước tỉ dân được dự đoán sẽ thiếu khoảng 16,68 triệu tấn ngô trong giai đoạn 10/2020 - 9/2021, tăng so với mức dự báo hồi tháng 7 là 13,98 triệu tấn.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá ngô tăng vọt và buộc nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng lúa mì, do đó giá lúa mì cũng tăng cao và gây thêm lo ngại về an ninh lương thực.
Ông Friedrichs của StoneX cho biết kho dự trữ lúa mì quốc gia của Trung Quốc đã mua 42,9 triệu tấn lúa mì từ nông dân trong năm nay, giảm 9,4 triệu tấn so với năm ngoái dù sản lượng chung tăng trong cùng năm.
Vị chuyên gia của StoneX nhận định: "Kho dự trữ quốc gia mua ít lúa mì hơn là do nông dân bán chậm. Nhiều người lạc quan vì giá ngô tăng thời gian qua, và nhiều người lo ngại về đại dịch COVID-19 nên muốn trữ lại hàng hóa".
Báo cáo của Viện Phát triển Nông thôn đề xuất Trung Quốc nên cải thiện "chính sách thu mua và dự trữ ngũ cốc" để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, viện này không đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.