Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu dù sản xuất yếu
Theo dữ liệu từ các nhà phân tích hàng hóa Kpler và LSEG Oil Research, nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than và quặng sắt của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh thoạt nhìn có vẻ không phù hợp với dữ liệu sản xuất và xây dựng tài sản, nhưng điều này lại hợp lý khi xét trên biến động giá và hoạt động dự trữ của các nhà máy.
Theo dữ liệu của LSEG, nhập khẩu dầu thô là 11,73 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng từ 11,31 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
Trong hai tháng đầu năm, LSEG ước tính lượng dầu đến của Trung Quốc đạt 11,51 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,07 triệu thùng/ngày so với số liệu hải quan chính thức 10,44 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc gộp số liệu tháng 1 và 2 để giảm thiểu tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và số liệu chính thức của hai tháng đầu năm dự kiến được công bố vào ngày 7/3.
Theo Kpler, nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong tháng 2 là 5,7 triệu tấn, giảm so với mức 7,82 triệu tấn của tháng 1.
Tuy nhiên, tổng cộng 13,52 triệu tấn trong hai tháng đầu năm nay cao hơn 22,5% so với 11,04 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu quặng sắt trong tháng 2 được Kpler ước tính ở mức 101,5 triệu tấn, giảm so với 113 triệu trong tháng 1, cao thứ hai trong dữ liệu Kpler kể từ năm 2017.
Tổng cộng nước này nhập khẩu 215,5 triệu tấn trong hai tháng đầu năm cao hơn 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu tất cả loại than cũng tăng mạnh trong hai tháng đầu năm nay, Kpler ước tính lượng hàng nhập khẩu bằng đường biển là 28,4 triệu tấn trong tháng 2 và 34 triệu tấn trong tháng 1, nâng tổng số than nhập khẩu lên 62,4 triệu tấn. Con số này cao hơn 28,1% so với hai tháng đầu năm 2023.
Sức mạnh nhập khẩu các mặt hàng chính dường như mâu thuẫn với những kết quả yếu kém đang diễn ra trong hoạt động sản xuất.
Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm tháng thứ 5 trong tháng 2, đạt 49,1 điểm, giảm so với mức 49,2 trong tháng 1 và duy trì dưới 50 - mức điểm phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Mặc dù nguyên nhân có thể là do các nhà máy đóng cửa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, nhưng dữ liệu PMI chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn khó khăn nhất.
Điều này dẫn đến nhiều khả năng các biện pháp kích thích tiếp theo có thể sẽ được áp dụng, tập trung vào cuộc họp quốc hội vào tuần này.
Câu hỏi đặt ra là liệu hoạt động nhập khẩu hàng hóa mạnh mẽ của Trung Quốc có thể bù đắp được sự suy giảm rõ ràng trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế hay không, chẳng hạn như xây dựng và sản xuất nhà ở.
Mỗi mặt hàng đều có động lực thị trường riêng và việc nhập khẩu dầu thô mạnh mẽ có thể được nhìn nhận qua lăng kính giá dầu giảm.
Giá dầu thô Brent có xu hướng giảm từ tháng 10 đến giữa tháng 12, đạt mức thấp 72,29 USD/thùng vào ngày 13/12.
Giá giảm, cùng với hạn ngạch nhập khẩu tăng 60%, đã khuyến khích các nhà máy lọc dầu mua nhiều hơn, qua đó thúc đẩy tồn kho giúp phòng ngừa rủi ro giá tăng vào cuối năm nay.
Nhập khẩu than tăng mạnh do nhu cầu điện cao và sản lượng thủy điện thấp hơn thông thường.
Một yếu tố nữa là một số hạn chế đối với sản lượng khai thác trong nước do kiểm tra an toàn, điều này cũng khiến giá trong nước tăng cao và than nhập khẩu trở nên cạnh tranh hơn.
Quặng sắt có lẽ là mặt hàng khó xác định nhất, vì nhập khẩu mạnh không nhất thiết đi kèm với sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, các nhà máy thép và thương nhân đã tăng lượng tồn kho trong những tuần gần đây. Nguyên nhân có thể là do các nhà máy dự đoán sẽ có thêm các biện pháp kích thích nền kinh tế.
Các nhà tư vấn SteelHome báo cáo rằng lượng tồn kho tại cảng tăng lên 134,9 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 1/3, tăng 28,6% so với mức đấy 7 năm là 104,9 ghi nhận ngày 23/10.