|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc có thêm động thái hỗ trợ thị trường chứng khoán giữa đà bán tháo

16:17 | 29/01/2024
Chia sẻ
Tuần trước, chứng khoán Trung Quốc đi lên ba ngày liên tiếp sau khi chính phủ hứa hẹn sẽ có thêm biện pháp hỗ trợ thị trường nhưng sau đó lại quay đầu giảm vào phiên 26/1. Để ngăn chặn cuộc bán tháo, các nhà chức trách ra thông báo hạn chế hoạt động bán khống cổ phiếu.

Tâm lý của các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn còn yếu. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg). 

Cuối tuần trước, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tuyên bố rằng từ ngày 29/1, họ sẽ đình chỉ việc cho vay một số cổ phiếu để bán khống. Đây là động thái mới nhất của các nhà chức trách nhằm chặn đà giảm của giá cổ phiếu.

Sau đó, hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến thông báo các nhà đầu tư chiến lược sẽ không được phép cho vay cổ phiếu trong giai đoạn lock-up đã thỏa thuận. Giai đoạn lock-up là khung thời gian mà tại đó nhà đầu tư không được phép bán ra cổ phiếu hay hoàn lại một khoản đầu tư cụ thể.

Tuy các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến không nêu rõ định nghĩa về “nhà đầu tư chiến lược”, thuật ngữ này thường dùng để chỉ những người nắm giữ cổ phiếu hạn chế.

Ping An Securities cho biết tại ngày 25/1, giá trị số cổ phiếu hạng A được cho vay ở Trung Quốc là 70,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,8 tỷ USD), thấp hơn 13% so với cuối tháng 9/2023.

Ông Willer Chen, nhà phân tích cấp cao tại Forsyth Barr Asia, bình luận: “Nỗ lực hạn chế bán khống của Bắc Kinh có thể chỉ tạo ra tác động nhỏ trong việc ổn định thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, động thái này vẫn thể hiện thiện chí của chính phủ trong bối cảnh các nhà đầu tư kêu gọi cơ quan quản lý vào cuộc”.  

Giới chức trách Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán. Tuần trước, Thủ tướng Lý Cường hứa hẹn chính phủ sẽ có các biện pháp “mạnh mẽ hơn” để hỗ trợ thị trường.

Sau đó, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Bắc Kinh đang tìm cách huy động khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 278 tỷ USD) nhằm xây dựng quỹ bình ổn để mua cổ phiếu Trung Quốc đại lục.

Chứng khoán Trung Quốc đi lên trong ba ngày liên tiếp nhưng lại quay đầu giảm vào phiên 26/1, cho thấy các nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào các biện pháp kích thích của chính phủ, theo tờ Financial Times. 

Chỉ số CSI 300 mất 11% trong năm 2023, đánh dấu năm sụt giảm thứ ba liên tiếp. Chỉ số Hang Seng rớt 14% trong cùng kỳ, nối dài đà giảm sang năm thứ 4.

 

Tờ Bloomberg nhận định việc siết chặt hoạt động bán khống sẽ khó có thể tạo đà tăng dài lâu cho cổ phiếu Trung Quốc do tâm lý của các nhà đầu tư vẫn còn yếu.

Hồi năm 2015, Trung Quốc từng giới hạn việc bán khống nhằm ngăn thị trường biến động “bất thường”. Tuy nhiên, giá cổ phiếu vẫn trượt dốc trong những tháng tiếp theo.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc còn cam kết sẽ xử lý triệt để hành vi vi phạm trong giai đoạn lock-up. Kể từ ngày 18/3, các công ty tài chính chứng khoán vay mượn cổ phiếu từ nhà đầu tư tổ chức sẽ phải chờ một ngày trước khi cung cấp cho các nhà môi giới thay vì ngay lập tức như hiện nay.

Bà Hebe Chen, nhà phân tích tại IG Markets, bình luận: “Việc thắt chặt hoạt động bán khống sẽ kích hoạt một đợt tăng ngắn hạn đối với cổ phiếu trong những ngành tăng trưởng như xe điện và năng lượng mới.

Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, không phải liều thuốc hữu hiệu để giải quyết nguyên nhân cốt lõi dẫn tới cú sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc”.

Giang

Điểm tên nhóm cổ phiếu có khả năng hút tiền tháng 6
Tại hội thảo "Bắt mạch dòng tiền" ngày 30/5, các chuyên gia đã đánh giá bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại, nêu góc nhìn đầu tư và kể tên các nhóm ngành dự kiến thu hút dòng tiền trong thời gian tới.