|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc có thể làm gì để kìm hãm dòng vốn đang tháo chạy?

15:10 | 27/02/2017
Chia sẻ
Nhà cầm quyền Trung Quốc được cho là sẽ thiết lập nhiều rào cản trong bối cảnh dòng vốn tiếp tục tháo chạy ra nước ngoài.
 
trung quoc co the lam gi de kim ham dong von dang thao chay
Ảnh: minh họa

Standard Chartered ước tính, dòng vốn tháo chạy ra khỏi Trung Quốc đã lên tới 728 tỉ USD trong năm 2016. Trong bối cảnh dòng vốn ngày càng ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc và nhân dân tệ được dự báo sẽ tiếp tục giảm so với USD trong năm 2017, các chuyên gia phân tích đã tìm ra 6 biện pháp mà Trung Quốc có thể áp dụng để kìm hãm dòng vốn tháo chạy.

1. Hạn chế chi tiêu ở nước ngoài

Ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng ở Morgan Stanley, nói rằng chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế người dân dùng thẻ tín dụng UnionPay để mua những đồ dùng đắt tiền ở nước ngoài như tranh, và đồ cổ.

2. Tạo áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu

Theon ông Brad Setser, cựu nhân viên của Bộ tài chính Hoa Kỳ, bước đi quan trọng nhất mà các nhà cầm quyền có thể thực hiện để giải quyết một trong những nguyên nhân làm CNY yếu đi là, ép doanh nghiệp bán lượng tiền ngoại tệ thu được từ các hợp đồng xuất khẩu. Tháng 11/2016, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã chuyển đổi 56% doanh thu ngoại tệ về CNY. Trước đó trong giai đoạn 2013-2015 - thời điểm CNY tăng mạnh, tỉ lệ chuyển đổi trung bình hàng tháng là 71%.

3. Đánh thuế các giao dịch ngoại tệ

Tháng 3/2016, Trung Quốc đã xem xét việc áp đặt thuế cho các giao dịch ngoại tệ để kiềm chế dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã đưa ra loại thế Tobin để kích thích giá của CNY trên thị trường quốc tế, đồng thời hạn chế sự can thiệp của nhà nước và tăng vai trò các nguồn lực khác trên thị trường.

Thuế Tobin được đặt theo tên của một nhà kinh tế học là James Tobin, người đã đưa ra ý tưởng giảm giao dịch ngoại tệ để tiết chế đầu cơ tiền tệ vào năm 1972.

4. Hạn chế đầu tư vào Bitcoin

Năm 2016, để tránh đầu tư vào CNY, nhà đầu tư Trung Quốc dần chuyển sang tiền ảo Bitcoin, khiến giá của đồng tiền ảo này "vượt mặt" so với các tài sản khác trên thị trường. Tuy nhiên, Bitcoin rất nhạy cảm với các chính sách ngoại thương của chính phủ Trung Quốc. Cụ thể, sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc cảnh báo nhà đầu tư về rủi ro từ việc mua bán bitcoin trong năm nay, Bitcoin đã giảm 6,1%.

5. Kiểm soát các ngân hàng

Ngân hàng hay các tổ chức tín dụng với khối tài sản ngày càng tăng ở nước ngoài cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền ngày càng tháo chạy khỏi Trung Quốc. Trong đó, dòng tiền thông qua cho vay tăng lên 37,2 tỉ USD trong quý III/2016, gần với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 1998. Các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu các ngân hàng trực thuộc nhà nước ngừng tích trữ tài sản ở nước ngoài.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hiện đang khuyến khích các ngân hàng phát hành thêm trái phiếu định giá bằng USD ở nước ngoài. Sau đó, các ngân hàng có thể chuyển đổi vốn đã huy động được ở nước ngoài về CNY thông qua ngân hàng trung ương, từ đó giúp thúc đẩy dự trữ ngoại hối của chính phủ.

6. Khuyên khích dòng tiền chảy vào

Thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng là một cách để khắc phục tình trạng dòng tiền chảy ra khỏi nội địa. Tuy nhiên, quy định hạn chế việc tự do rút tiền ra khỏi biên giới của chính chính phủ Trung Quốc đã làm giảm sức hút đầu tư của nước này. Đây cũng là lý do mà quỹ đầu tư chứng khoán MSCI quyết định không tán thành việc thêm cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số toàn cầu vào năm ngoái.

Dù có 6 biện pháp trên, nhưng nếu hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn yếu ớt, với chính sách tiền tệ tiếp tục lệch pha với chính sách tiền tệ của Mỹ, dòng tiền sẽ vẫn chảy ra khỏi Trung Quốc.

Lyly Cao