Trung Quốc chịu áp lực lớn khi Fed tăng lãi suất
Nhân dân tệ Trung Quốc luôn phải chịu áp lực trước mỗi đợt tăng lãi suất của Fed. Ảnh: Reuters |
Một thập niên kể từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính gây rúng động các thị trường toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng để sửa lại chính sách lãi suất hậu khủng hoảng. Bên cạnh đợt tăng lãi suất cơ bản mới đây vào hôm 15.6, từ mức 1% lên mức 1,25%, Fed còn quyết định sẽ cắt giảm 4.500 tỉ USD trong bảng cân đối tài chính, một động thái có thể làm bùng nổ giá trị tài sản trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.
Theo Zhou Xi, nhà phân tích của Bohai Securities, những chính sách mới của Fed chắc chắn sẽ dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện thanh khoản và gây ảnh hưởng lan tỏa đến phần còn lại của thế giới. “Đối với Fed, các động thái trên là việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sau thời gian khủng hoảng. Nhưng đối với các nền kinh tế khác, đó sẽ có thể là một sự tàn phá. Động thái tăng cường giá trị đồng USD, cùng với những kỳ vọng lãi suất mạnh mẽ hơn, sẽ siết chặt nguồn vốn từ các thị trường lớn trên toàn cầu, đồng thời khiến dòng vốn ở các nền kinh tế còn lại chảy ra liên tục. Hơn nữa, những kế hoạch đó cũng sẽ gây ra áp lực không hề nhỏ lên giá trị tài sản và tỷ giá tại các thị trường mới nổi”, ông Zhou nói.
Theo South China Morning Post, phân tích từ các chuyên gia cho thấy, quyết định cắt giảm bảng cân đối tài chính của Fed sẽ khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) rơi vào tình thế khó khăn, đặc biệt là nhân dân tệ luôn phải chịu áp lực suy giảm mỗi khi đồng USD tăng giá.
“PBOC có thể sẽ làm theo Fed bằng cách thắt chặt thêm các chính sách tài chính để có khả năng đối mặt với những hạn chế của hệ thống tài chính hiện tại và tình trạng thanh khoản vốn đang được kiểm soát chặt chẽ”, Li Chao, nhà phân tích của Huatai Securities, cho biết. Song, nhiều khả năng PBOC sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ của mình “ở mức độ lớn”, vì điều này sẽ làm suy yếu tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ trong bối cảnh đồng USD ngày càng được kỳ vọng sẽ mạnh lên, chưa kể dòng vốn đang chảy ra từ Đại lục cũng sẽ ngày càng thâm hụt nhiều hơn.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc được công bố gần đây nhất đã cho thấy một bức tranh kinh tế không có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, tăng trưởng đầu tư vào tài sản hỗn hợp giảm xuống còn 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay. Tăng trưởng đầu tư tư nhân cũng chậm lại, giảm từ 6,9% xuống còn 6,8% trong tháng 5.2017.
“Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có xu hướng suy giảm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa chắc chắn về tương lai”, ông Hu Mingzhe, nhà phân tích của Galaxy Futures, nói.