|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc cấm trao đổi, tiêu thụ động vật hoang dã vì virus corona

15:00 | 25/02/2020
Chia sẻ
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc cho biết sẽ ban lệnh cấm thương mại và tiêu thụ động vật hoang dã ngay lập tức nhằm đối phó với sự bùng phát của virus corona (SARS-CoV-2).

Theo cơ quan thông tấn quốc gia Trung Quốc - Tân Hoa xa, tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 24/2 sau khi lệnh tạm thời cấm trao đổi và tiêu thụ động vật hoang dã hồi tháng 1.

Các nhà khoa học nghi ngờ, nhưng không có chứng cứ rõ ràng, rằng chủng virus corona mới lan truyền từ động vật sang người. Dịch bệnh đã khiến gần 2.700 người Trung Quốc thiệt mạng và lây sang các quốc gia khác trên toàn cầu.

Reuters cho biết một số trường hợp nhiễm virus sớm nhất được phát hiện ở những người tiếp xúc với chợ động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, nơi rơi, rắn, cầy hương và những động vật khác được buôn bán.

"Ngày càng có nhiều lo ngại về việc tiêu thụ động vật hoang dã và những nguy hiểm tiềm tàng nó mang lại cho an ninh y tế công cộng kể từ khi dịch do virus corona mới bùng phát", ông Zhang Tiewei, người phát ngôn Uỷ ban Pháp chế của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, cho biết.

Theo ông Zhang, đây là một quyết định khẩn cấp và cần thiết tại thời điểm quan trọng như ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Quyết định này qui định việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc như hành động săn bắn, buôn bán hoặc vận chuyển động vật hoang dã cho mục đích tiêu thụ.

Việc sử dụng động vật hoang dã cho các mục đích không phải để ăn, gồm nghiên cứu khoa học, sử dụng và trưng bày y tế, sẽ phải thông qua kiểm tra, phê duyệt và giám sát nghiêm ngặt.

Chia sẻ với Reuters trước khi thông báo được đưa ra, các thương nhân buôn bán hợp pháp lừa, chó, hươu, cá sấu và các loại thịt khác cho biết họ có kế hoạch quay lại kinh doanh ngay khi thị trường mở cửa trở lại.

Nhiều học giả, nhà môi trường và người dân Trung Quốc đã tham gia các nhóm bảo tồn quốc tế để kêu gọi một lệnh cấm vĩnh viễn. Cuộc tranh luận trực tuyến trong nước cũng rất ủng hộ lệnh cấm vĩnh viễn.

Lyly Cao