Trung Quốc cấm nhập khẩu hạt cải dầu từ nhà xuất khẩu lớn nhất của Canada
Cụ thể, Richardson International đã mất quyền vận chuyển hạt cải dầu sang Trung Quốc vào ngày 1/3, theo một văn bản từ cơ quan hải quan Trung Quốc.
Việc thu hồi giấy phép diễn ra khi Bắc Kinh gia tăng áp lực lên chính quyền Ottawa để thả bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính của công ty truyền thông Huawei. Bà Meng dự kiến sẽ tham dự phiên điều trần trước Tòa án tối cao của bang British Columbia vào thứ Tư (6/3).
Trung Quốc là thị trường hàng đầu đối với hạt cải dầu Canada, loại hạt sẽ được nghiền thành dầu thực vật và bột thức ăn chăn nuôi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn hạt cải dầu, trị giá 1,9 tỉ USD trong năm 2017, với dầu và bột cải dầu chiếm khoảng 747,68 triệu USD, theo Hội đồng hạt cải dầu Canada.
Richardson là nhà xuất khẩu Canada duy nhất bị cấm bán hạt cải dầu, theo danh sách hải quan Trung Quốc về các nhà xuất khẩu hợp pháp từ Canada.
Ông Jean-Marc Ruest, trưởng ban pháp chế của công ty, cho biết động thái này gợi ý một động cơ chính trị.
"Chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn nhất của Canada. Chúng tôi có từ lâu đời và sở hữu toàn bộ công ty", ông nói. "Nếu nó liên quan đến tranh chấp sâu sắc hơn giữa Canada và Trung Quốc, tôi đoán chúng tôi hiển nhiên là một mục tiêu".
Ông từ chối bình luận về vụ Huawei.
Ảnh: Bloomberg.
Theo ông Ruest, Trung Quốc thu hồi giấy phép sau hai tháng trao đổi giữa quan chức hai bên về tuyên bố xuất khẩu từ Richardson và các nhà xuất khẩu khác bị nhiễm bẩn. Một buổi xem xét lại cho thấy không có bằng chứng về khiếu nại này, ông nói thêm.
Động thái chặn xuất khẩu từ Richardson được đưa ra khi Trung Quốc mua lại đậu nành Mỹ trong bối cảnh diễn ra các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đậu nành là loại hạt chứa dầu thay thế cho dầu hạt cải và nhập khẩu từ Mỹ đã dừng lại sau khi Bắc Kinh áp thuế quan 25% đối với mặt hàng này vào tháng 7/2018.
Các nhà xuất khẩu dầu hạt cải lớn khác của Canada, gồm Cargill, Louis Dreyfus và Viterra - một đơn vị của Glencore, có trụ sở bên ngoài quốc gia này.
Hội đồng dầu hạt cải Canada không đồng tình với ý tưởng cho rằng sự rạn nứt giữa quốc gia Bắc Mỹ và Trung Quốc đang gây thiệt hại cho việc kinh doanh.
"Mặc dù xích mích quan hệ ngoại giao là vấn đề đáng lo ngại, không có chứng cứ rõ ràng cho thấy những thách thức hiện tại liên quan tới những rạn nứt đó", cơ quan này cho biết.
"Chúng tôi hi vọng công ty liên quan giải quyết vấn đề hiện tại. Chúng tôi nhận thức được những thách thức các nhà xuất khẩu của chúng tôi phải đối mặt khi bán hàng sang Trung Quốc. Đây thực sự là mối lo ngại vì chúng tạo ra sự bất ổn và gia tăng chi phí".