|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc áp thuế cao đối với gạo nếp nhập khẩu có thực sự đáng ngại?

07:00 | 26/10/2018
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp và chuyên gia tỏ ra lạc quan rằng tác động việc Trung Quốc áp thuế đối với gạo nếp sẽ không quá nghiêm trọng nhờ cung - cầu.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Hồi tháng 7, Trung Quốc áp thuế 50% đối với gạo nếp nhập khẩu từ ASEAN.

Trước thông tin này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết sau khi lệnh thuế của Trung Quốc được đưa ra, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này bị chững lại. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước xuất khẩu gạo nếp lớn nhất cho Trung Quốc nên tác động của lệnh thuế này rất lớn.

trung quoc ap thue cao doi voi gao nep nhap khau co thuc su dang ngai
Trung Quốc áp thuế cao đối với gạo nếp nhập khẩu có thực sự đáng ngại?

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo nếp giảm mạnh trong tháng 7, còn 9,8 triệu USD (giảm 50% so với tháng 6) do tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo của Trung Quốc.

Ông Kiên cho hay: “Hiện nay, thị trường Trung Quốc khó tính chứ không dễ như trước đây. Họ mua những loại gạo cao cấp, có kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam hiện có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 19 doanh nghiệp có giấy phép an toàn thực phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Ông Kiên nhấn mạnh đối với mặt hàng gạo, Việt Nam vẫn phải giữ thị phần tại Trung Quốc ở mức hợp lý do so với nước khác, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn về mặt địa lý.

Tuy nhiên, mặc cho những tín hiệu tiêu cực từ lệnh thuế này, một số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan về triển vọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.

Chia sẻ với người viết, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng: “Mặc dù thuế tăng là điều khó khăn cho Việt Nam, tuy nhiên bài toán cung - cầu vẫn quyết định thị trường. Nếu nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc cao trong khi nguồn cung giảm thì đương nhiên thuế cũng sẽ giảm theo”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nhận định: “Lương thực là mặt hàng thiết yếu. Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng trong nước. Họ tăng thuế nhưng họ vẫn phải nhập khẩu gạo. Trong khi đây mặt hàng rất khó chuyển đổi, số người ăn gạo trên thế giới gần như cố định”.

Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ

Tại Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho biết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6,1 - 6,4 triệu tấn, và kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD lên khoảng 3,3 tỷ USD.

Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới, thị trường tăng lên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước mở rộng sang các nước Mỹ Latinh, Trung Đông.

Châu Á là thị trường tiêu thụ nhiều gạo Việt Nam nhất do thói quen ăn cơm, chiếm 68,4% thị phần; đứng thứ hai là châu Phi chiếm 14,9% thị phần; Châu Âu là thị trường tiêu thụ ít gạo Việt Nam nhất khi chỉ chiếm 1,25%.

Ông Hải thông tin, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Dự kiến đến năm 2020, thị phần tại EU tăng lên 5% và đạt 6% vào năm 2030. Châu Mỹ đạt 8% vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2030.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp.

Tỷ lệ gạo chất lượng thấp xuất khẩu năm 2015 là 30,8% đến 8 tháng đầu năm nay giảm xuống còn 2,07%. Được biết, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46%; gạo thơm chiếm tới 33,24% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho hay, hiện nay gạo Việt Nam vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn châu Âu để xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, vừa qua lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này chưa nhiều do EU đang áp mức thuế cao đối với Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông Kiên nhìn nhận vấn đề này một phần được tháo gỡ nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, 100.000 tấn gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực.

"Đây được xem là cơ hội tốt đối với Việt Nam trong việc thâm nhập vào thị trường này", ông Kiên đánh giá.

Đức Quỳnh