Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn tham gia làm mạng xã hội cà phê toàn cầu
“Ngành cà phê Việt Nam có thể đem về lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm nếu chúng ta biết cách làm tốt hơn hiện nay cũng như xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê”, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ tại một lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Thực tế, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, năm ngoái, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,78 triệu tấn, kim ngạch trên 4 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ, đạt cao kỷ lục từ trước đến nay. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033.
Tuy nhiên, theo Trung Nguyên Legend, dù đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, với sản lượng, giá trị ngày càng tăng, nhưng trong nhiều năm qua, thế giới chỉ biết đến Việt Nam như một quốc gia xuất khẩu cà phê thô. Xuất khẩu cà phê có thương hiệu và mang tính toàn cầu của Việt Nam còn rất hạn chế.
Muốn mang về 20 tỷ USD lợi nhuận từ cà phê
Trong hội thảo tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023 đang diễn ra, Trung Nguyên Legend đã đóng góp một số đề xuất để ngành cà phê Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 20 tỷ USD.
Theo Trung Nguyên, ngành cà phê Việt Nam cần gia tăng hơn nữa chiến lược chất lượng và hàm lượng giá trị. Trong đó, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ can thiệp tự nhiên hoặc trực tiếp lên hạt trong quá trình chế biến, rang xay cà phê để nâng cao hơn nữa chất lượng hạt Robusta.
Không chỉ nâng cao chất lượng hạt cà phê Robusta Việt Nam, việc một chính sách phù hợp cho phép nhập khẩu các nguồn nguyên liệu cà phê ngon của thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp sáng tạo, phối trộn cùng hạt cà phê Robusta chất lượng tạo nên những sản phẩm cà phê ngon mang thương hiệu Việt Nam ra với thế giới.
Ngoài ra, Trung Nguyên đề xuất sáng kiến lấy Buôn Ma Thuột – quê hương hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới làm thủ phủ, khởi xướng tư tưởng, triết lý, văn hóa cà phê đặc sắc của Việt Nam.
Trung Nguyên đưa ra ba góc độ toàn diện của ngành cà phê:
- Cà phê vật lý: Toàn bộ chuỗi giá trị vật lý của ngành cà phê từ nghiên cứu, trồng trọt, chế biến, thưởng lãm; từ cà phê thô tới cà phê tinh; từ cà phê đóng gói cho đến không gian thưởng lãm cà phê hay thưởng thức tiêu dùng cà phê tại nhà,…
- Cà phê tinh thần: Toàn bộ các yếu tố mỹ thuật và nghệ thuật để thể hiện và đi kèm với cà phê; các giá trị văn hoá – tinh thần tạo nên cà phê và từ cà phê mà có.
- Cà phê xã hội: Sự kết nối và sáng tạo của những người dùng cà phê và tác động tích cực hay tiêu cực của họ đến với sự phát triển chung của xã hội.
Trung Nguyên Legend cho biết họ đang có những động thái cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu này như:
- Thực hiện tiến trình đề xuất “Cà phê sữa đá”, “cà phê phin” của Việt Nam và vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
- Đồng hành xây dựng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột trở thành lễ hội mang tầm vóc quốc tế.
- Đồng hành đưa các sự kiện quốc tế về cà phê đến Buôn Ma Thuột.
- Đóng góp ý tưởng và cách thức xây dựng Mạng xã hội cà phê toàn cầu – trung tâm xây dựng, truyền thông cho Buôn Ma Thuột
- Quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa gắn với các di tích quốc gia qua các hoạt động du lịch chữa lành
- Kiến tạo các chương trình, không gian trải nghiệm tư tưởng, văn hóa, tinh thần cà phê.
Cùng quan điểm với Trung Nguyên, PGS TS Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường cũng khẳng định: “Để Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới, phải tạo ra nhiều sản phẩm liên quan tới cà phê để cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật… chứ không phải là một loại thức uống”.
Hiện tại, Trung Nguyên đã đưa vào vận hành các dự án, công trình biểu tượng như Bảo tàng Thế giới cà phê, mở cửa từ năm 2018, nằm trong dự án bất động sản quy mô hơn 45 ha của tập đoàn. Ngoài ra còn có các dự án khác như Nguyên Coffee Resort, Làng cà phê,…