Nước cờ nào cho Trung Nguyên Legend tại thị trường cà phê Trung Quốc?
Ngày 21/9 cửa hàng đầu tiên của Tập đoàn Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc đã chính thức khai trương. Đây là cửa hàng Thế Giới Cà Phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại thị trường quốc tế, tọa lạc tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, 699 đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Rõ ràng, để cạnh tranh ở bất kỳ lĩnh vực nào tại thị trường tỷ dân này cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản cho các doanh nghiệp tới từ quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.
Tất nhiên, không phải là không có cơ hội cho Trung Nguyên khi tiến vào thị trường Trung Quốc, song với một lĩnh vực có nhiều đối thủ cạnh tranh như cà phê, doanh nghiệp Việt Nam cần có những chiến lược phù hợp để mở rộng thị phần tại đây.
Thị trường cà phê Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức 10,42% trong giai đoạn 2022 – 2027. Trước đó, báo cáo của Asia Nikkei cũng nhận định giá trị thị trường cà phê Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức 180,6 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào năm 2023. Những con số này lý giải tại sao các doanh nghiệp đang “nô nức” mở rộng các chuỗi cà phê tại thị trường tỷ dân.
Nhìn chung, thị trường cà phê Trung Quốc không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch COVID-19. Theo phân tích, vào năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu xuất hiện, trung bình có một quán cà phê mới được mở mỗi ngày tại Thành phố Thành Đô của Trung Quốc.
Điều này đã đẩy tổng số quán cà phê trong thành phố lên hơn 4.000, chỉ sau Thượng Hải và Bắc Kinh. Thành Đô là thị trường cà phê lớn thứ ba ở Trung Quốc. Hơn nữa, với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, người tiêu dùng ở Trung Quốc đã sử dụng cà phê tại nhà, do đó, làm tăng doanh số bán cà phê hòa tan tại nước này trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Mặc dù trà vẫn là thức uống truyền thống ở Trung Quốc, song nhu cầu về cà phê vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi. Để thúc đẩy thương mại cà phê quốc tế và văn hóa uống cà phê ở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ Triển lãm cà phê I (I-coffee Exposition) ở Hải Khẩu. I-coffee Exposition tập trung vào sản xuất, thương mại và tiêu thụ cà phê.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê Trung Quốc Bắc Kinh (CCAB), lượng tiêu thụ cà phê ở nước này đang tăng với tốc độ hàng năm là 15%. Những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hiện tại có thể kể tới như như Starbucks và Nestle, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa cà phê ở Trung Quốc.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát tư nhân được Asia Nikkei đăng tải gần đây, Thượng Hải cũng chính là thành phố có số lượng cửa hàng cà phê nhiều nhất thế giới trong năm 2021, với 6.913 cửa hàng, vượt trên cả những thành phố lớn khác như Tokyo và London.
Trong cùng năm, một báo cáo được công bố bởi công ty kiểm toán quốc tế Deloitte, người Trung Quốc chỉ uống trung bình 9 tách cà phê mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với người Hàn Quốc (367 cốc) hay người Mỹ (329 cốc). Chính vì vậy, thị trường cà phê ở quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn nhiều dư địa phát triển và đang được nhiều chuỗi lớn để mắt tới.
Các ông lớn đua nhau mở rộng quy mô
Theo CNN, Luckin Coffee, một startup Trung Quốc từng vướng phải một vụ bê bối gian lận và bị “khai tử” khỏi phố Wall hai năm trước đang trở lại mạnh mẽ, và kết thúc quý I với vị trí dẫn đầu thị trường cà phê Trung Quốc.
Theo báo cáo tài chính quý I, Luckin Coffee ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những thách thức liên quan tới đại dịch COVID-19.
Tính đến hết ngày 31/3, công ty có tổng cộng 6.580 cửa hàng trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, qua đó trở thành chuỗi cà phê lớn nhất tại thị trường tỷ dân. Một số cửa hàng do công ty tự điều hành, còn một số khác do các đối tác điều hành.
Đối thủ lớn nhất của Lukin Coffee tại thị trường tỷ dân chính là chuỗi cà phê nổi tiếng toàn cầu Starbucks. Tính đến hết quý I, Starbucks có 5.650 cửa hàng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với Luckin Coffee, Starbucks quản lý hoàn toàn tất cả cửa hàng này.
Đáng chú ý, trong một động thái gần nhất, Starbucks đã đặt mục tiêu mở 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2025, trong đó các Giám đốc điều hành đã vạch ra một cuộc cải tổ trên phạm vi rộng. Trước đó, công ty cho biết họ sẽ vận hành 6.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Nếu mục tiêu này được hoàn thành, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks, theo CNBC.
Bên cạnh Luckin Coffee hay Starbucks, thị trường cà phê Trung Quốc còn có sự xuất hiện của một số chuỗi cà phê nổi tiếng khác như Costa Coffee, Pacific Coffee,…
Giới trẻ mơ đổi đời nhờ cà phê
Giới trẻ Trung Quốc, những người đầy tham vọng, đang nỗ lực thực hiện hóa “giấc mơ Trung Hoa” của họ bằng cách khởi nghiệp với thị trường phê. Một trong số đó có thể kể tới Post Cafe ở Thượng Hải, với mô típ gần giống một bưu điện của Trung Quốc. Quán cà phê này từng là một sạp báo và chỉ chiếm không gian vỏn vẹn 1 m2.
Một ví dụ điển hình khác về một người Trung Quốc đã biến ước mơ của mình thành hiện thực là Han Yulong, người sáng lập chuỗi startup Manner Coffee. Anh bắt đầu với một quán cà phê chỉ rộng 2 m2 trong một con hẻm sau của một khu mua sắm ở Thượng Hải và đã thành công trong việc mở rộng kinh doanh trên khắp đất nước.
Năm 2021, công ty nhận được khoản đầu tư từ Meituan, công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc và ByteDance, công ty mẹ TikTok cũng như kỳ lân lớn nhất thế giới. Manner Coffee sau đó đã trở thành một kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên), qua đó trở thành hình ảnh đại diện cho ngành công nghiệp cà phê đang bùng nổ ở Trung Quốc. Hiện đang có những tin đồn về việc Manner Coffee có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Cơ hội của Trung Nguyên
Theo xếp hạng từ Chnbrand (Trung Quốc), thương hiệu cà phê G7 của Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng tại thị trường tỷ dân, giữ thị phần lớn thứ hai trên thị trường thương mại điện tử.
Trong khi đó, theo số liệu từ Tập đoàn Trung Nguyên, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc, và trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend.
Thị trường Trung Quốc cũng có nguồn cung đa dạng từ gần 80 quốc gia tập trung chính từ Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil… Trong đó, thống kê từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn đầy tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt từ năm 2018 đến nay. Từ vị trí thứ 12 vào năm 2018, đến 2021 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 8 của Việt Nam.
Rõ ràng, Trung Nguyên cũng đang có những cơ hội rõ ràng để bứt phá tại thị trường cà phê tỷ dân, đặc biệt là khi một trong những thương hiệu của tập đoàn đang được ưa chuộng tại đây.
Bên cạnh đó, theo The Cool Hunter, xu hướng “Small is New Big”, chỉ những cửa hàng cà phê có diện tích nhỏ, nhưng mơ về những thứ lớn lao từng gây sốt ở Trung Quốc giai đoạn 2020 dường như đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi đại dịch dần được kiểm soát, và người dân đã có thể đi lại một cách thoải mái hơn, do đó yêu cầu về những cửa hàng có diện tích rộng rãi hơn cũng đã tăng lên.
Theo Markettimes, cơ quan của Hội Thẩm định giá Việt Nam, không gian diện tích cửa hàng đầu tiên của Trung Nguyên tại Trung Quốc lên tới 500 m2, gần bằng 1/5 so với diện tích Reserve Roastery, cửa hàng Starbucks lớn nhất ở Thượng Hải, có thể chứa lượng khách hàng lớn trong cùng một thời điểm, rõ ràng là một lợi thế mà Trung Nguyên có thể tận dụng để phát triển hơn nữa ở quốc gia này.