|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Trong khi có cổ phiếu 'ăn bằng lần' thì nhiều bluechip đã trở thành nỗi đau của nhà đầu tư

09:04 | 22/03/2018
Chia sẻ
Trong khi VN-Index càng tiến gần đến mốc lịch sử, nhiều cổ phiếu thi nhau lập đỉnh thì trái lại có cơ số nhà đầu tư ngậm trái đắng dù mua cổ phiếu bluechip như APC, SLS, CIA, SPP... khi cổ phiếu liên tục lao dốc không phanh.

Thị trường tiến đến đỉnh lịch sử, nhiều cổ phiếu vẫn "mò đáy"

Giây phút 10h47 ngày 21/3/2018 khi VN-Index đã chạm đến mốc đỉnh lịch sử với con số 1.171,25 điểm, cao hơn mốc đỉnh ngày 12/3/2007 với 1.170,67 điểm. Tính từ đầu năm đến hết phiên 21/3, VN-Index đã tăng trưởng 17,4%, hàng loạt bluechip lập đỉnh.

Trong ba tháng đầu năm, nếu như nhà đầu tư cầm cổ phiếu vốn hoá nhỏ như DSC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng thì có thể lãi gấp 7 lần hay các cổ phiếu bluechip như PAN của Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, DPG của Công ty Cổ phần Đạt Phương thì cũng có thể lãi trên dưới 80%.

trong khi co co phieu an bang lan thi nhieu bluechip da tro thanh noi dau cua nha dau tu
Diễn biến nhóm cổ phiếu APC, SPP, CIA, SLS, CTD từ đầu năm đến nay

Cũng là dòng bluechip song nếu nhà đầu tư chỉ cần nắm giữ các cổ phiếu như APC, SPP, CIA, SLS... từ đầu năm đến nay thì có thể tài khoản đã "bốc hơi" đến hơn 60% chưa kể đến việc dùng margin. Nhóm bluechip này đã trở thành "nỗi đau" của nhà đầu tư trong thời gian qua.

Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu APC, SPP, CIA, SLS đều là các bluechip, doanh nghiệp nổi bật trong ngành nhưng thị giá cổ phiếu lao dốc không phanh thậm chí nằm sàn liên tiếp khiến ban lãnh đạo phải lên tiếng trấn an cổ đông.

APC, bất thường từ báo cáo tài chính đến câu chuyện cổ đông chiến lược

Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú (Mã: APC) là doanh nghiệp có thể nói là độc quyền trong lĩnh vực chiếu xạ. Năm 2017 lợi nhuận sau thuế của công ty vượt 94% kế hoạch đạt 66 tỷ đồng. Đặc biệt biên lợi nhuận gộp của An Phú đạt con số đáng ngưỡng mộ là 70% trong năm 2017, biên lãi ròng cũng gần 43%.

Cổ phiếu APC từng là biểu tượng của năm 2017 khi đã tăng gấp 4,5 lần. Dù là doanh nghiệp đầu ngành song vị Chủ tịch của An Phú mới chỉ mới 27 tuổi và bắt đầu đảm nhiệm vị trí thuyền trưởng khi mới 24 tuổi.

trong khi co co phieu an bang lan thi nhieu bluechip da tro thanh noi dau cua nha dau tu
Nhiều tác nhân gây ra sự lao dốc không phanh của cổ phiếu APC

Cổ phiếu APC bắt đầu nằm sàn sau thông tin dự kiến phát hành 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn gấp rưỡi với mức giá tối thiểu 20.000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu lúc đó là trên 70.000 đồng/cp. Cổ đông chiến lược chiến lược được chọn là Torus Capital Investments Pte.Ltd của Singapore và mới được thành lập tháng 9/2017.

APC nằm sàn 7 phiên liên tiếp, trắng bên mua, cổ đông tháo chạy với thanh khoản có phiên hơn 1 triệu đơn vị. Chỉ từ ngày 7/3 đến hết 21/3 thị giá APC đã "bốc hơi" đến 43% và tiếp tục sàn phiên 21/3.

Trong đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 16/3 vừa qua, cổ đông đã không thông qua phương án phát hành 6 triệu cổ phiếu với giá "rẻ như cho".

Dù quy mô tổng tài sản của An Phú hết năm 2017 là hơn 300 tỷ nhưng tại đại hội công ty lại kên kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy chiếu xạ An Phú – Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 693 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có chỉ hơn 213 tỷ đồng và đa phần là đi vay khiến cổ đông e ngại về tính khả thi và liệu có phải "bánh vẽ" của ban lãnh đạo.

Bên cạnh đó, sau báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của APC thì khoản tiền và tương đương tiền bỗng nhiên "bốc hơi" 75 tỷ đồng và thay vào đó là khoản trả trước ngắn hạn cho Corpex Asia Ltd - doanh nghiệp mới thành lập cuối tháng 8/2017.

CIA, SLS và "cái chết" được báo trước

Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Mã: CIA), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sân bay cũng được chú ý thời gian gần đây khi cổ phiếu ghi nhận giảm 10 phiên liên tiếp và xen kẽ hai phiên sàn, trắng bên mua.

Cổ phiếu CIA lao dốc không phanh chỉ ngay trước khi Công ty công bố thông tin chấn động là không thuê được mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại nhà ga hành khách quốc tế mới T2 tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh khi nhà ga này chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó mảng bán hàng miễn thuế đóng góp đến 80% tổng doanh thu công ty mẹ và khoảng 60% doanh thu hợp nhất.

Phía CIA cho biết do chủ đầu tư Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) đã có thỏa thuận hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác, do vậy CRTC không bố trí được mặt bằng kinh doanh theo đề nghị của CIA.

trong khi co co phieu an bang lan thi nhieu bluechip da tro thanh noi dau cua nha dau tu
"Vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn - người khiến CIA bị "hất cẳng"?

Câu chuyện không đơn giản khi theo bản thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất thì cổ đông lớn nhất của CRTC là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) sở hữu 55%. Chủ sở hữu của IPP Group không ai khác chính là "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn.

Trong khi đó ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang sở hữu Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) - đơn vị cùng ngành với CIA và mảng bán hàng miễn thuế cũng đang là trụ cột chính đóng góp đến 53% tổng doanh thu thì nhiều khả năng việc CIA bị "hất cẳng" khỏi CRTC cũng đã sáng tỏ phần nào.

Công ty mới chỉ niêm yết HNX từ ngày 29/11/2017 với mức giá tham chiếu 45.000 đồng/cp. So với mốc giá đỉnh đầu tháng 12/2017 (68.210 đồng/cp) thì thị giá CIA đã "bốc hơi" 45%.

Ngay khi cổ phiếu liên tục lao dốc, CTCP Xuất nhập khẩu hàng hóa Nội Bài đã thoái 496.000 cổ phiếu, tỷ lệ 6,2% và không còn là cổ đông lớn của CIA.

trong khi co co phieu an bang lan thi nhieu bluechip da tro thanh noi dau cua nha dau tu

Dường như "cái chết" cũng được dự báo trước với cổ phiếu SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành mía đường cũng phải nếm trái đắng khi cổ phiếu đã giảm đến 39% chỉ hơn 2 tháng từ mức khoảng 156.000 đồng/cp xuống còn 90.000 đồng/cp kết phiên 21/3. Thậm chí hai phiên trước đó SLS còn nằm sàn.

Tổng giám đốc của SLS ngay lập tức phải có công văn giải trình cổ đông về việc cổ phiếu liên tục lao dốc. Theo phía SLS cho rằng do giá đường xuống thấp bên cạnh cũng có nhiều dự báo nhiều khó khăn của ngành mía đường khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) kể từ ngày 1/1/2018 vì vậy ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Phía Công ty còn cho biết mọi hoạt động của Công ty vẫn diễn ra bình thường và đến hiện tại, Công ty cho biết đã sản xuất được 36.500 tấn đường, thực hiện được gần 61% kế hoạch năm.

SPP "tự nhiên" nằm sàn liên tiếp

Không như các cổ phiếu APC, SLS hay CIA đều có tác nhân ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu thì ngược lại cổ phiếu SPP của Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn lại "tự nhiên" nằm sàn.

Cổ phiếu SPP xuất hiện phiên sàn từ cuối tháng 2 và đỉnh điểm ghi nhận 10 phiên sàn liên tiếp khiến thị giá "bay" hơn 63% chỉ sau hơn 3 tuần. Hai phiên gần đây, SPP lại bất ngờ tăng trần, kết phiên 21/3 ở 6.200 đồng/cp. Đáng chú ý cổ phiếu ghi nhận khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 4,6 triệu đơn vị vào phiên 20/3, chiếm 27% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Việc SPP liên tiếp giảm sâu với dư bán sàn hàng triệu đơn vị trong nhiều phiên khiến không ít nhà đầu tư lo sợ về tình hình hoạt động của công ty. Phía Công ty đã phải có công văn giải trình rằng đang giữ vững việc sản xuất kinh doanh bình thường, không có tác động xấu nào ảnh hưởng đến công ty.

Công ty cho biết thêm giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua là do tình hình thị trường và quan hệ cung cầu. Để khắc phục tình trạng trên, công ty đang có kế hoạch ổn định lại giá trị cổ phiếu trong khoảng thời gian sớm nhất.

Trong khoảng thời gian SPP nằm sàn liên tiếp thì nhiều cá nhân liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị đã tranh thủ mua gom cổ phiếu.

Hoàng Kiều