|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trình độ học vấn 6 tỷ phú USD của Việt Nam

06:55 | 07/04/2021
Chia sẻ
2021 là năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận có 6 tỷ phú USD, theo Forbes, gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Trần Bá Dương và ông Nguyễn Đăng Quang.

Forbes mới đây công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2021. Danh sách năm nay có sự góp mặt của 6 nhân vật đến từ Việt Nam. Đây đều là những người có tài sản ròng ghi nhận ở mốc 1 tỷ USD trở lên.

Trong số 6 tỷ phú đôla của Việt Nam, 2 người tốt nghiệp đại học trong nước và 4 người đi du học ở nước ngoài trước khi trở lại Việt Nam lập nghiệp.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup

'Săm soi' trình độ học vấn của 6 tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, là tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam từng xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes. Trong danh sách năm nay, tài sản ròng của ông Vượng ghi nhận ở mức 7,3 tỷ USD, xếp hạng 344 thế giới. 

Trong quá khứ, thứ hạng cao nhất mà ông Vượng từng giành được trong bảng xếp hạng danh giá này của Forbes là vào năm 2019 ở vị trí 239.

Ông Phạm Nhật Vượng từng là học sinh khoá 9 (1982 – 1985) tại trường THPT Kim Liên. Sau khi tốt nghiệp, ông Vượng thi đỗ vào trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Nhờ thành tích học tập, ông được chọn sang du học tại Trường Mỏ địa chất ở Nga, ngành kinh tế địa chất.

Ông Vượng từng kinh danh ngành hàng mỳ gói cực kỳ thành công ở Ukraine trong những năm 90 của thế kỷ trước, trước khi ông quay trở về đầu tư tại Việt Nam bằng cách thành lập tập đoàn đa ngành Vingroup. 

Đến nay, các mảng kinh doanh chủ yếu của Vingroup bao gồm thương hiệu xe Vinfast, thương hiệu smartphone và các thiết bị khác Vinsmart và thương hiệu bất động sản Vinhomes. Tháng 12/2020, quỹ VinFuture Foundation của ông Phạm Nhật Vượng và vợ thành lập giải thưởng VinFuture Prize với giá trị 4,5 triệu USD để ghi nhận các sáng tạo trong khoa học, công nghệ.

Bà Nguyễn Phương Thảo – Tổng giám đốc VietjetAir

'Săm soi' trình độ học vấn của 6 tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Phương Thảo – Tổng giám đốc VietjetAir. (Ảnh: VJ)

Với tài sản ròng 2,8 tỷ USD, bà Nguyễn Phương Thảo có mặt trong danh sách Tỷ phú 2021 của Forbes ở vị trí 1.111. Đây là năm thứ 4 liên tiếp bà có mặt trong danh sách này.

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, bà Thảo được có cơ hội đi du học từ khá sớm và nổi bật với những thành tích ấn tượng. Bà từng nhận bằng Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow và Cử nhân nghành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế quốc dân Moscow, trước khi nhận bằng Tiến sỹ của học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế.

Theo ghi nhận của Forbes, bà Thảo là tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam nhờ thành công của VietjetAir, hãng hàng không giá rẻ mà bà sáng lập vào năm 2011. Bà Thảo cũng có những khoản đầu tư vào ngành ngân hàng và bất động sản.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát

Trình độ học vấn 6 tỷ phú USD của Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát. (Ảnh: Bloomberg).

Từng có mặt trong danh sách tỷ phủ vào năm 2018 với tài sản ròng 1,3 tỷ USD, mãi phải tới năm 2021, ông Trần Đình Long mới quay trở lại danh sách này cùng tài sản tăng vọt lên mốc 2,2 tỷ USD.

Được gọi bằng danh xưng "ông vua thép" của Việt Nam, ông Trần Đình Long có bằng cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành kinh tế. Đến nay, tập đoàn Hoà Pháp do ông Long sáng lập đang là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank

'Săm soi' trình độ học vấn của 6 tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank. (Ảnh: TCB)

Trong 3 năm liên tiếp gần đây, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, đều có tên trong danh sách tỷ phú USD. Với tài sản ròng 1,6 tỷ USD, ông xuất hiện trong danh sách ở vị trí 1.931.

Năm 1987, ông Hồ Hùng Anh thi đỗ vào khóa 22 đào tạo Kỹ sư tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông được cử đi du học ngành kỹ thuật quân sự tại Liên Xô. Sau đó, ông chuyển sang theo học ngành kỹ sư điện tại trường đại học Bách Khoa Kiev, Ukraine.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO)

'Săm soi' trình độ học vấn của 6 tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 5.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải. (Ảnh: THACO)

Ông Trần Bá Dương có mặt trong danh sách của Forbes ở vị trí số 1.931 cùng tài sản ròng 1,6 tỷ USD. Năm 1983, ông Trần Bá Dương tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành Máy nâng chuyển bốc xếp.

Ông Trần Bá Dương bắt đầu làm việc với vai trò một thợ sửa xe vào những năm 1980 và dần được đề xuất lên các vị trí quản lý. Ông sáng lập THACO vào năm 1997. Ban đầu, THACO chỉ bán xe và sau đó bắt đầu lắp ráp xe cho các thương hiệu quốc tế như Kia, Mazda và Peugeot. Đến nay, THACO là một trong những công ty xe lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan

Trình độ học vấn 6 tỷ phú USD của Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan. (Ảnh: Masan).

Danh sách tỷ phú 2021 cũng đón chào sự trở lại của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, ở vị trí số 2.378 cùng tài sản ròng 1,2 tỷ USD. Giống nhiều tỷ phú USD của Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang cũng có thời gian sinh sống, học tập ở Nga và đạt nhiều bằng cấp, trong đó có Tiến sỹ Kỹ thuật về Vật lý hạt nhân, đạt trình độ sau đại học về Quản trị Tài chính tại Liên Bang Nga.

Bên cạnh đó, ông cũng có bằng Tiến sĩ Khoa học Công nghệ của Học viện Khoa học Quốc gia Belarus và bằng Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov.

Thái Sơn