|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt

15:42 | 05/04/2021
Chia sẻ
"Mua về" khối lỗ 100 triệu USD trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ, Masan đã đưa ra quyết định đóng cửa hơn 700 cửa hàng VinMart+ hoạt động kém hiệu quả để cải thiện lợi nhuận, giải quyết bài toán tài chính.

Thông qua giao dịch mua lại VinCommerce, sở hữu và điều hành 123 siêu thị VinMart và 2.231 siêu thị mini VinMart+ tính đến cuối năm 2020, Masan đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, Tập đoàn cũng nhận được nhiều phản ứng trái chiều về quyết định này.

"Khi công bố thương vụ mua lại VinCommerce, chúng ta đã tin rằng mọi nhân viên, các nhà đầu tư và thị trường sẽ nhiệt liệt tán thưởng quyết định này. Nhưng những gì diễn ra đã ngoài tầm dự đoán...", Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chia sẻ trong báo cáo thường niên năm 2020 của Tập đoàn Masan.

Chủ tịch Masan: Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan. (Ảnh: Masan).

Sau khi bước đi chiến lược này được đưa ra, giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan đã giảm một nửa chỉ sau một tháng. Mua lại VinCommerce tại thời điểm đó đồng nghĩa với việc Masan phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ.

Thương vụ tiếp tục khắc sâu những nghi ngại là các thương vụ mua bán sáp nhập của Masan dường như không đạt được các mục tiêu chiến lược và tài chính như mong muốn, ông Quang chia sẻ.

Chủ tịch Masan: "Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt"

Đứng trước bài toán khó về hiệu quả tài chính của chuỗi bán lẻ Vinmart, Masan đã nhanh chóng đưa ra lựa chọn hi sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng vững hơn, đặt mục tiêu đưa VinCommerce đạt EBITDA hòa vốn trong một năm.

Hành động đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+ của Masan ngay sau khi tiếp nhận VinCommerce thể hiện rõ chiến lược của tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc lãi chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả  logistics và luân chuyển hàng hóa.

Kết quả thực tế đã trả lời cho những nỗ lực của Masan khi VinCommerce đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế và khấu hao) hòa vốn trong quý IV/2020 và dự kiến sẽ đạt EBITDA dương vào quý I/2021.

Chủ tịch Masan: Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt - Ảnh 2.

Theo Masan, biên EBITDA được cải thiện nhờ vào tăng trưởng doanh thu (đóng góp 60%), cải thiện biên lợi nhuận gộp (đóng góp 10%) và hợp lý hóa chi phí hoạt động cửa hàng (đóng góp 30%).

Tính chung cả năm 2020, hệ thống VinCommerce đã mang về cho Masan Group 30.978 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong đó, các cửa hàng mini VinMart+ là động lực tăng trưởng chính, có doanh thu/m2 tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% trong năm 2020.

Khi nói về quyết định lớn này, vị chủ tịch của Masan rất tự tin khi nhìn thấy tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại. 

Số liệu thực tế cho thấy sự tham gia của kênh bán lẻ hiện đại đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ: khoảng cách này tại Mỹ và Thái Lan hiện nay là dưới 10% so với trên 20% trước đây. Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn này.

"Trong thập kỷ tới, lợi nhuận gộp cũng như khả năng chi phối người tiêu dùng sẽ dịch chuyển mạnh mẽ từ các nhà sản xuất sang các nhà bán lẻ", ông nhận định.

Chủ tịch Masan: Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt - Ảnh 3.

Biên lợi nhuận giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khi kênh bán hàng hiện đại ngày càng được ưa chuộng. (Nguồn: Báo cáo thường niên của Masan).

Tham vọng xây dựng chuỗi bán lẻ vừa tiết kiệm cho người tiêu dùng vừa tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất và bán hàng

Nhận định về tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Quang cho rằng lĩnh vực bán lẻ nội địa còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn và chi trả nhiều hơn cho nhu cầu của mình.

Cụ thể, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ, khiến thị trường bán lẻ bị phân mảnh. Ngay cả khi là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, VinCommerce chỉ chiếm khoảng 3% tổng thị trường bán lẻ.

Tuy nhiên, một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt 50% và tầng lớp trung lưu (với mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD) thực sự xuất hiện. Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong tương lai gần so với mức khoảng 8% như hiện nay.

Ông Nguyễn Đăng Quang cho biết việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng (wallet-share) lên mức gần 25%.

Với bước đầu thành công, Masan lên kế hoạch phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình, phục vụ cho 30 - 50 triệu người dùng trong 5 năm.

Bên cạnh tối ưu hoá hệ thống phân phối có nhiều tầng nấc kém hiệu quả, Masan dự kiến phát triển nhãn hàng riêng trên cơ sở hợp tác với các nhà cung cấp chiến lược để có được sản phẩm vừa chất lượng vừa có giá cả hợp lý. Đồng thời, xây dựng mô hình bán lẻ kết hợp cả online và offline để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, kết quả xây dựng chuỗi bán lẻ trong 5 năm sẽ mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng (tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu); nhà sản xuất và nông dân (tăng lợi nhuận từ 5-10%) và đối tác nhượng quyền bán lẻ (tăng lợi nhuận từ 5-10%).

Những con số và kỳ vọng mang đầy sức hấp dẫn, Masan có lẽ sẽ cho chúng ta câu trả lời sau 5 năm nữa.


Diệp Bình

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.