Mảng thịt của Masan MEATLife có thể đóng góp lợi nhuận từ năm 2023
Năm 2020 là năm bùng nổ của doanh nghiệp chăn nuôi khi giá heo được đẩy lên đỉnh lịch sử nhờ thị trường chăn nuôi hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi. Doanh thu từ mảng thịt của CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) tăng tới gần 457% so với năm 2019.
Lãi ròng dự kiến tăng 110% năm 2021
Chứng khoán VNDirect nhận định doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đang thích nghi với sự tồn tại của dịch ASF đồng thời kỳ vọng quy mô đàn lợn của Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021 do vắc xin ASF dự kiến sẽ được sản xuất và phân phối từ quý III/2021.
VNDirect kỳ vọng giá thịt lợn hơi sẽ giảm dần và ổn định ở mức thấp hơn 19,9% so với mức giá trước dịch trong năm 2021, trong khi giá thức ăn chăn nuôi có thể nhích lên 2% khi nhu cầu tăng.
Bên cạnh đó, với tình hình COVID-19 được kiểm soát tốt, hoạt động thương mại toàn cầu sẽ phục hồi và thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, dẫn đến tăng nhu cầu về thức ăn cho cá.
Do vậy, VNDirect kỳ vọng mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife sẽ tăng 5,9% trong năm 2021 nhờ doanh thu mảng thức ăn gia súc tăng 5,6% đến từ hoạt động tái đàn của người chăn nuôi và doanh thu mảng thức ăn thủy sản tăng 7,6% do nhu cầu xuất khẩu cá phục hồi sau khi COVID-19 được kiểm soát.
Trong khi đó, doanh thu mảng thịt tích hợp (thịt gà và thịt lợn) được dự phóng tăng gần 119% nhờ mở rộng danh mục sản phẩm và tổng số điểm bán lẻ tăng 60% lên 2.603 điểm. Tính riêng doanh thu của mảng thịt gia cầm dự kiến đạt 1.100 tỷ đồng năm 2021.
Dự kiến mảng thịt sẽ đóng góp 26,3% vào doanh thu của công ty trong năm 2021, biên lợi nhuận gộp tăng 2,8 điểm %.
Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của mảng thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,2 điểm % do giá thức ăn chăn nuôi cao hơn sẽ bù đắp cho giá nguyên liệu đầu vào tăng do thiếu nguồn cung.
Do đó, VNDirect dự phóng biên lợi nhuận gộp của Masan MEATLife sẽ tăng 0,8 điểm % trong năm 2021 lên 17,7%.
Dự báo tổng doanh thu thuần của Masan MEATLife sẽ tăng 22,6% lên 19.762 tỷ đồng trong năm 2021.
Ngoài ra, đơn vị này cũng dự báo mảng thịt sẽ chưa ghi nhận lợi nhuận cho đến năm 2023. Năm 2019 và 2020, mảng thịt của công ty lỗ lần lượt 389 và 307 tỷ đồng.
VNDirect cũng thông tin thêm nhà máy mới tại Long An bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế 0% từ năm 2020, thuế suất của Masan MEATLife dự kiến sẽ giảm xuống 20% trong năm 2021 và 18% trong năm 2022 từ mức 27,7% trong 2020.
Dự phóng lợi nhuận ròng của Masan MEATLife sẽ tăng 110% lên 554 tỷ đồng năm 2021 và tăng gấp rưỡi lên lên 833 tỷ đồng trong năm 2022.
Rủi ro từ giá nguyên liệu đầu tăng và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại
Chứng khoán VNDirect nhận định sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành thức ăn chăn nuôi nội địa trong năm 2021.
Mặc dù giá thịt lợn hơi được dự báo sẽ giảm 19,9% trong năm 2021 nhưng vẫn tương đối cao hơn so với mức giá trước dịch ASF (dịch Tả lợn Châu Phi), do đó người chăn nuôi sẽ có động lực để tái đàn và mở rộng quy mô đàn lợn.
Ngoài ra, Cục chăn nuôi cũng đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt lợn, gia cầm và bò dự kiến tăng xấp xỉ 6% trong năm nay.
VNDirect cho rằng với sự gia tăng của các sản phẩm chăn nuôi, nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước cũng sẽ được thúc đẩy và Masan MEATLife có thể được hưởng lợi từ xu hướng này.
VNDirect cũng lưu ý rằng Masan MEATLife cũng phải đối mặt với một số thách thức bao gồm giá nguyên liệu đầu vào đang tăng và dự báo sẽ vẫn ở mức cao đến quý II cùng với việc phải cạnh với các doanh nghiệp nước ngoài (các công ty nước ngoài hiện đang chiếm 65% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam).
Do đó, VNDirect dự báo sản lượng tiêu thụ mảng thức ăn chăn nuôi sẽ tăng 3% nhờ nhu cầu về thức ăn chăn nuôi tăng và giá bán bình quân tăng 2% trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu toàn cầu và tình trạng thiếu container rỗng khiến việc vận chuyển trở nên khó khăn.
3F Việt - Mảnh ghép trong chiến lược gia nhập thị trường thịt gà mát
Masan MEATLife đã mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm thông qua việc rót vốn 613 tỷ đồng để sở hữu 51% CTCP 3F Việt, doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong ngành thịt gia cầm.
Giao dịch mở đường cho Masan MEATLife thâm nhập vào ngành hàng thịt gia cầm, thị trường có giá trị 5 tỷ USD tại Việt Nam với mức tiêu thụ bình quân là 11 kg/người vào năm 2019.
Với ước tính tổng doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng trong năm 2020, VNDirect nhận định 3F Việt đã trở thành một mảnh ghép trong chiến lược đưa Masan MEATLife tiến sâu vào thị trường thịt gà mát cao cấp, vốn sử dụng chung công nghệ sản xuất với sản phẩm thịt mát MEATDeli.
Sau khi về với Masan MEATLife, 3F Việt có kế hoạch mở rộng quy mô đàn gà (hiện có tổng 15 triệu con) và đưa sản phẩm thịt mát 3F vào các cửa hàng phân phối của Masan MEATLife.
Do đó, VNDirect dự báo trong năm 2021, 3F Việt có thể đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng và đóng góp 5,6% vào tổng doanh thu nhờ tận dụng mạng lưới phân phối rộng khắp của Masan MEATLife.