|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Triệu phú mở chợ trời trực tuyến sốc vì thành công quá sớm

19:12 | 07/12/2017
Chia sẻ
Khi Cash vừa ra mắt, trong vòng 16 tiếng đầu tiên, Mitsumoto choáng váng vì tổng các giao dịch trị giá đến 360 triệu yen (3,2 triệu USD) và phải tạm ngừng dịch vụ.

Yusuke Mitsumoto là một trong những người tiên phong trong thị trường mua bán trên Internet từ năm 1996 với ứng dụng Stores.jp - phiên bản Nhật của Shopify. Nhờ những bài học xương máu, 20 năm sau, Mitsumoto đã trở thành triệu phú với ứng dụng Cash. Người ta thường gọi Cash là "Chợ trời trực tuyến".

Mỗi ngôi nhà đều chứa nhiều đồ đạc không hoặc hiếm khi sử dụng mà chủ nhân của chúng lại quá bận bịu và lười chụp ảnh, đăng tin rao bán trên các phương tiện mạng xã hội. Hiểu thực tế đó, tháng 6/2017, Yusuke Mitsumoto đã thành lập công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tokyo và phát hành Cash - ứng dụng mua và bán đồ dùng cũ.

trieu phu mo cho troi truc tuyen soc vi thanh cong qua som
Doanh nhân Yusuke Mitsumoto, người sáng lập "chợ trời trực tuyến" Cash. Ảnh: Bloomberg

Cash là phiên bản điện tử của người môi giới cầm cố truyền thống, cho phép người dùng chụp ảnh những đồ dùng không còn nhu cầu sử dụng và gửi đến ứng dụng để đánh giá. Cash sẽ hiển thị giá cho người bán theo nguyên tắc thiết lập tự động dựa trên dữ liệu từ những chợ đồ cũ khác và người bán không được mặc cả. Nếu người bán đồng ý với giá, họ có thể nhận được tiền tạm ứng khi bán hàng vào tài khoản của họ. Mitsumoto sẽ kiếm lời từ khoản chênh lệch khi bán lại chúng. Hàng hoá của ứng dụng là smartphone, túi xách hàng hiệu, đồng hồ, quần áo và nhiều loại đồ vật khác.

Khi bài báo về Yusuke Mitsumoto xuất hiện trên trang The Straits Time, nhiều bình luận cho rằng: “Việc buôn bán trên chợ trời online này chỉ thích hợp ở Nhật Bản vì đa số người Nhật rất trung thực. Làm sao đảm bảo những sản phẩm họ rao giống sản phẩm thực tế?”. Khi Cash vừa ra mắt, trong vòng 16 tiếng đồng hồ đầu tiên, Mitsumoto choáng váng khi ghi nhận tổng các giao dịch trị giá đến 360 triệu yen (3,2 triệu USD) và phải tạm đóng cửa dịch vụ vì lo ngại rủi ro về hai vấn đề: “Liệu khách hàng có chịu trả tiền mua hàng đã qua sử dụng không?” và “Liệu người bán có chở hàng hoá đến công ty của anh không?”

Nhưng một ngày sau, anh nhận thấy cứ 10 người thì chỉ có 1 người không giao hàng như cam kết. Đây quả thực là con số đáng mơ ước của các cửa hàng kinh doanh online.

Khi việc chia sẻ, buôn bán hàng cũ trên “chợ trời online” bắt đầu ổn định, tháng 8/2017, Mitsumoto hồi sinh ứng dụng Cash.

Công ty start up của Yusuke Mitsumoto đã liều lĩnh ra đời mà không cần gây quỹ trước từ các nhà đầu tư. Vào năm 1996, anh đã từng mở một công ty và không gieo gặt được thành công lớn. Gần 2 thập kỷ sau, khi đã nắm bắt được nhu cầu thị trường tiềm năng của việc kinh doanh đồ cũ cũng như xu hướng sát nhập, chuyển nhượng, “thần may mắn” đã mỉm cười với Mitsumoto.

trieu phu mo cho troi truc tuyen soc vi thanh cong qua som
Ứng dụng Cash trên thiết bị di động. Ảnh: Bloomberg

Theo Reuse Business Journal, buôn bán đồ cũ là ngành kinh doanh lớn của Nhật Bản với quy mô thị trường lên đến 1.600 tỷ yên cùng với sự ra đời của hàng loạt các trang web, ứng dụng mua bán, trao đổi đồ đạc đã qua sử dụng. Bookoff Corp có hàng trăm cửa hàng mua bán mọi thứ, từ sách cũ, đến video game và đồ điện tử. Yahoo Japan hiện điều hành trang đấu giá online lớn nhất nước này. Mercari - ứng dụng smartphone hỗ trợ mọi người bán đồ không còn dùng nữa cũng trở thành startup đầu tiên của Nhật được định giá hơn 1 tỷ USD.

Cuối tháng 10/2017,Yusuke Mitsumoto thông báo rộng rãi việc DMM.com đã mua lại công ty của anh với giá 7 tỷ yen (62 triệu USD). DMM.com là một đế chế truyền thông công nghệ với doanh thu hàng năm là 1,6 tỷ USD. Người đứng đầu DMM chính là Keishi Kameyama - một trong những người giàu nhất Nhật Bản. Với việc về đầu quân tại tập đoàn DMM, Mitsumoto rất hy vọng có thể mở rộng thị trường ra đến Hàn Quốc và thậm chí là châu Phi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Kameyama - người đứng đầu DMM - cho biết ông và nhóm của mình đã nhận ra tiềm năng của thị trường mà Mitsumoto khai thác bởi lẽ có quá nhiều người bận rộn và thiếu kiên nhẫn để chụp ảnh đẹp, viết mô tả sản phẩm và mặc cả với người mua.

“Làm kinh doanh trên Internet không chỉ cần vốn, thiết bị, mà còn cần trực giác, khả năng phán đoán và thực thi và ở Mitsumoto có điều đó. Anh ấy là một trong những người liều lĩnh và thế giới này không có quá nhiều người như vậy”, Kameyama cho biết.

Kinh doanh đồ cũ không phải là ý tưởng mới nhưng bài học lớn nhất chúng ta học được từ Mitsumoto là việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và tâm lý khách hàng. Người bán hàng thông minh luôn xác định trước hết là có khách rồi mới sinh lãi. Điều quan trọng là đặt mình vào vị trí khách hàng. Và Yusuke Mitsumoto chính là một trong những người đó.

Phương Phan/Bloomberg