Triển vọng xuất khẩu gạo Pakistan lạc quan nhờ thị trường Trung Quốc
Dữ liệu hải quan cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu lúa và gạo trị giá 1,95 tỷ nhân dân tệ (NDT) từ Pakistan trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Pakistan là nhà cung cấp gạo lớn thứ ba cho Trung Quốc. Ngoài ra, quốc gia này đã trở thành nhà cung cấp gạo lớn nhất của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay.
Khi Trung Quốc và Pakistan hợp tác nông nghiệp sâu rộng hơn, xuất khẩu gạo sang Bắc Kinh có thể tăng cao hơn nữa, theo trang Tribune.
Các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đang cạnh tranh và hợp tác với nhau.
Ấn Độ, từng là nước xuất khẩu gạo basmati lớn nhất nhưng do các hạn chế nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt chất tricyclazole và carbendazim, Ấn Độ đã mất rất nhiều đơn đặt hàng gạo basmati từ các khách hàng châu Âu.
Trong khi đó, Pakistan trở thành nước hưởng lợi lớn nhất nhờ canh tác hữu cơ lúa basmati.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Pakistan, ông Faisal Jahangir Malik cho biết 3 năm trước, Ấn Độ đã bán 400.000 tấn gạo basmati tại thị trường châu Âu trong khi thị phần của Pakistan chưa đến 40.000 tấn.
Tuy nhiên, "từ năm 2020 đến năm 2021, xuất khẩu gạo của Pakistan sang các nước châu Âu đạt 470.000 tấn, trong khi thị phần của Ấn Độ giảm xuống dưới 40.000 tấn", ông Faisal cho biết.
Có được điều này là nhờ vào phương pháp canh tác truyền thống của Pakistan. Mặc dù phương pháp canh tác của Pakistan không hiện đại, nhưng chúng gần với sản xuất hữu cơ, do đó thế giới tin tưởng vào loại gạo sản xuất nội địa của quốc gia Nam Á, ông nói thêm.
Sương mù ảnh hưởng đến năng suất lúa
Từ lâu, Pakistan đã tuân theo một công thức xuất khẩu gạo đó là xuất khẩu gạo bằng sản lượng trừ tiêu thụ nội địa. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Karachi Shamsul Islam Khan nói với China Economic Net rằng Pakistan xuất khẩu tất cả những gì họ có thể cung cấp.
Cách duy nhất để tăng cường xuất khẩu là tăng sản lượng gạo.
Zhang Jiegen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pakistan tại Đại học Fudan tin rằng thị trường gạo của Trung Quốc mở cửa cho Pakistan theo cách mà các nước khác không được hưởng.
"Trung Quốc sẽ cung cấp mức hạn ngạch tối đa cho Pakistan để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thương mại hai chiều nhưng năng lực sản xuất của Pakistan không thể theo kịp", ông Zhang nói.
Ông lấy việc xuất khẩu đường làm ví dụ. Năm 2020, Pakistan tuyên bố trợ cấp cho các nhà xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu đường sang Trung Quốc, tuy nhiên, điều này kéo theo giá đường tăng đột biến do năng lực sản xuất đường trong nước của Pakistan không thể theo kịp.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Ông Muhammad Rafiq, giám đốc Viện nghiên cứu lúa gạo Kala Shah Kaku, cho rằng sương mù là một thủ phạm chính.
"Khi gạo Basmati không được làm khô kịp thời, tiếp xúc với không khí sẽ tạo ra aflatoxin. Nếu loại trừ những yếu tố này, năng suất trung bình của cây trồng trên một mẫu Anh sẽ tăng thêm 10 - 15 maund (khoảng 40 kg)", ông cho biết.
Ở Pakistan, nhiều nông dân coi lúa gạo như một loại cây ăn tiền. Họ sử dụng máy gặt lúa mì để gặt lúa do thiếu máy gặt lúa gạo chuyên dụng.
Ông Shamsul Islam Khan tin rằng việc sử dụng máy gặt không phù hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lúa. "Điều này dẫn đến thất thoát và tăng tỷ lệ gãy. Khi sử dụng máy gặt lúa gạo chuyên dụng, năng suất sẽ tăng, chất lượng cây trồng được cải thiện", theo ông Khan.
Công nghệ nông nghiệp hạn chế sản xuất lúa gạo và cũng có tác động đến quá trình chế biến gạo. Ông Khan nói rằng 40 - 50% gạo bị hỏng trong quá trình chế biến.