Ngành gạo Thái Lan còn rất nhiều điều cần cải thiện
Thái Lan cũng là một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với khối lượng xuất khẩu dự kiến đạt 6 triệu tấn trong năm nay, tăng nhẹ so với mức 5,72 triệu tấn vào năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, tin rằng buôn bán gạo là một ngành công nghiệp truyền thống do chi phí sản xuất cao, lương tăng, chi phí hậu cần đắt đỏ và năng suất tương đối thấp.
Triển vọng không mấy khả quan
Năm ngoái, Thái Lan đứng thứ ba về xuất khẩu gạo toàn cầu sau Ấn Độ và Việt Nam, với khối lượng xuất khẩu lần lượt là 14 triệu và 6,3 triệu tấn.
Sản lượng gạo của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trong vụ thu hoạch 2021 - 2022, với sản lượng gạo xay xát ước tính đạt 20 triệu tấn do nguồn cung trong nước dồi dào, tăng từ 17 triệu tấn trong vụ 2020 - 2021.
Năng suất lúa của Thái Lan trung bình đạt 450 kg/rai, thấp hơn đáng kể so với Việt Nam là 900 kg/rai và Ấn Độ là 800 kg. (1 rai = 1.600 m2)
"Khối lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể sẽ giảm dần nếu chúng ta không giải quyết được những trở ngại này. Chúng ta cần cải tiến các loại gạo của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chẳng hạn như cung cấp gạo dẻo và nâng cao năng suất", nhà xuất khẩu gạo kỳ cựu nói với Bangkok Post.
"Chúng ta chưa giải quyết tận gốc các vấn đề, thay vào đó tập trung chủ yếu vào hỗ trợ giá, thông qua các chương trình cam kết hoặc đảm bảo giá. Trong khi Việt Nam tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để củng cố ngành gạo của họ".
Ông Chookiat, đồng thời là giám đốc điều hành của tập đoàn Huay Chuan - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Thái Lan, cho biết quốc gia Đông Nam Á vẫn còn tồn tại nhiều thủ tục giấy tờ rườm rà và thiếu ý chí nâng cấp ngành gạo.
Được thành lập cách đây 60 năm, Huay Chuan ban đầu không chỉ tham gia xuất khẩu gạo và cao su mà còn kinh doanh dệt may và xe đạp.
Theo ông Chookiat, xuất khẩu gạo vẫn là lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, nhưng sản lượng đã giảm đáng kể so với trước đây do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu.
Ông cho biết trong 2 - 3 năm qua, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn vì rủi ro gia tăng do giá nguyên liệu đầu vào biến động. Các nhà xuất khẩu gạo cũng bị thiệt hại về tỷ giá hối đoái vì đồng baht tăng giá.
Trong khi đó việc giảm giá để cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp có nghĩa là ngay cả các nhà xuất khẩu gạo lớn cũng phải làm việc chăm chỉ hơn và thông minh hơn để tồn tại, ông Chookiat chia sẻ.