Triển vọng sáng cho thị trường M&A toàn cầu nửa cuối năm nay
Hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) toàn cầu tăng trưởng chậm trong quý 2, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lạc quan với dự đoán rằng hoạt động giao dịch sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024.
Lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, môi trường pháp lý không thuận lợi và thị trường chứng khoán bị thổi phồng dẫn đến các mức định giá cao quá mức đã ảnh hưởng đến hoạt động M&A trong ba tháng qua.
Theo dữ liệu từ Dealogic, số lượng các thỏa thuận được ký kết trên toàn cầu trong quý 2 đã giảm 21% xuống còn 7.949 thương vụ, song tổng giá trị giao dịch tăng 3,7% lên 769,1 tỷ USD.
Số lượng thương vụ trị giá 10 tỷ USD trở lên giảm xuống còn 6 thương vụ trong quý 2, so với 8 thương vụ cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng đầu tư và luật sư chuyên về M&A hàng đầu đã gạt bỏ những lo ngại về thể trạng của thị trường M&A, và dự báo triển vọng tích cực khi bước sang nửa cuối năm.
Một số chuyên gia cố vấn nhấn mạnh rằng tốc độ của hoạt động M&A đã quay trở lại mức của những năm trước đại dịch 2018 và 2019, khi tổng giá trị giao dịch trung bình khoảng 4.000 tỷ USD/năm.
Tổng giá trị M&A của Mỹ đã giảm 3% trong quý 2 xuống còn 324,4 tỷ USD. Ngược lại, hoạt động M&A ở châu Âu đã phục hồi và tăng 27%, chủ yếu nhờ vào giá trị của một số giao dịch lớn.
Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch ở châu Á-Thái Bình Dương giảm 18%.
Thương vụ mua lại Marathon Oil trị giá 22,5 tỷ USD của ConocoPhillips trong lĩnh vực dầu mỏ, thương vụ Silver Lake mua lại Endeavor Group Holdings với giá 13 tỷ USD trong lĩnh vực đầu tư tài chính, và thương vụ mua lại Shockwave Medical với giá 13 tỷ USD của Johnson & Johnson trong lĩnh vực y tế được xếp hạng là những thương vụ M&A lớn nhất trong quý 2.
Mặc dù hoạt động giao dịch các thương vụ lớn vẫn ở diễn ra đều, nhưng các chuyên gia cho biết số lượng các "megadeal" (siêu thương vụ), có trị giá hơn 25 tỷ USD, đã chậm lại so với các chu kỳ M&A trước đó, do giới quản lý thắt chặt giám sát chống độc quyền.