Triển vọng nào với nhóm cổ phiếu đầu tư công trong năm 2023?
Thị trường diễn biến khởi sắc đầu năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận phiên khai xuân đầy hưng phấn, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công, cùng với tinh thần đầu tư công năm mới rất cao, trong đó có sự kiện khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Chia sẻ về diễn biến mới này, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Smart Invest nhận định phiên khai xuân 3/1 vừa qua tương đối thành công, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi ngược lại hoàn toàn với diễn biến chung của thị trường chứng khoán châu Á theo chiều hướng tích cực. Đây là điều rất hiếm thấy trong năm qua.
Thứ hai, dòng tiền đang tập trung rất mạnh mẽ ở nhóm đầu tư công, đây là nhóm ngành có nhiều tin tức hỗ trợ nhất trong bối cảnh vừa qua khi các dự án đầu tư công trên toàn quốc, các tỉnh thành đồng loạt được khởi công và triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, điều này dẫn đến tâm thế thị trường khá tích cực.
Ở góc nhìn khác, ông Hoàng Tùng, chuyên gia tài chính nhận định những biến động hiện nay của thị trường ảnh hưởng phần lớn bởi niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) hơn là những yếu tố mang tính chất thực tế.
Trong năm 2022, các chỉ số kinh tế của Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trên thế giới, khi lần đầu tiên xuất nhập khẩu đạt con số khổng lồ 732,5 tỷ USD, cùng với xuất siêu mạnh và cán cân thương mại thặng dư. Nhưng những diễn biến trên thị trường chứng khoán lại gây "shock" cho phần lớn các NĐT, kể cả với những NĐT có kinh nghiệm lâu năm.
Thị trường thường được dự báo sẽ có một nhịp điều chỉnh sau hai năm tăng mạnh, nhưng thị trường Việt Nam năm 2022 đã giảm mạnh xuống dưới 900 điểm (giảm khoảng 33%). Do đó, ông Hoàng Tùng nhận định những biến động vừa qua là do tâm lý chung của thị trường, từ đó thị trường chứng khoán trong nước sẽ còn ghi nhận nhiều thời điểm không liên quan đến thị trường thế giới.
Dẫn chứng bằng hệ số tương quan giữa S&P 500 và VN-Index hiện đang ở mức gần như thấp nhất trong lịch sử, biến động của hai chỉ số này hiện gần như không liên quan đến nhau, cho dù trước đó biến động thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ là tương đối đồng pha.
Về sóng đầu tư công, mặc dù có nhiều thách thức và khó khăn trong năm 2023, ông Hoàng Tùng chia sẻ: "Càng thách thức và khó khăn thì đầu tư công thường sẽ nổi trội, vì trong GDP có thành phần đầu tư công của Chính phủ, nếu một nền kinh tế gặp khó khăn và nhiều biến động thì đầu tư công thường được đẩy mạnh để thúc đẩy và tạo đà tăng trưởng cho các ngành khác".
Do đó, ông Tùng nhận định nhóm đầu tư công là nhóm rất tiềm năng trong năm 2023, thị trường trong năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì như bức tranh phiên đầu năm.
Đầu tư công năm 2023 sẽ là một năm khác biệt
Nhận định rõ hơn về cơ hội đầu tư công trong năm 2023, ông Tùng cho biết sóng đầu tư công trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm giải ngân của toàn bộ hệ thống, khi việc giải ngân vốn đầu tư công vốn đã gặp khó khăn trong nhiều năm liên tiếp vừa qua.
Ông Tùng có góc nhìn tương đối tích cực về đầu tư công vì khi nền kinh tế gặp khó khăn hầu hết các nước sẽ cố gắng đẩy mạnh đầu tư công để lan toả đến các ngành nghề khác, tuy nhiên ông cho rằng đẫy vẫn là năm tương đối khó khăn trong việc triển khai vào thực tế, đây là bài toán chưa thực sự được giải quyết trong nhiều năm qua. Do đó, ông nhận định nhóm cổ phiếu liên quan đầu tư công là có thể nắm giữ nhưng với tỷ trọng không lớn.
Đánh giá tích cực hơn, ông Khánh nhận định năm 2023 sẽ là một năm khác biệt do kế hoạch đặt ra năm nay là rất lớn với con số lớn nhất từ trước tới nay 730.000 tỷ, cùng với không khí triển khai khẩn trương ngay từ đầu năm như Hải Phòng, quê hương ông Khánh xây dựng trung tâm hành chính từ ngày 11/1.
Về mặt doanh nghiệp, ông Khánh chia sẻ lợi nhuận của những doanh nghiệp kinh doanh khai thác đá sẽ được chuyển hoá ngay, đối với ngành xây lắp còn phụ thuộc vào khả năng quản trị hàng tồn kho, nguyên vật liệu, do đó mất nhiều thời gian hơn nhưng lại có nhiều tin tức.