|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Triển vọng doanh nghiệp thủy sản cuối năm: Điểm sáng ngành tôm

11:58 | 12/08/2020
Chia sẻ
Nửa đầu năm nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản. Dù nhu cầu tiêu thụ tại các thị truờng vẫn khá ảm đạm, nhưng trong những tháng còn lại của năm, ngành thủy sản vẫn hi vọng khởi sắc hơn nhờ những thị trường của EVFTA.

Doanh thu sụt giảm vì COVID-19

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đây là tình trạng chung của toàn ngành bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã tiếp tục ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quí II/2020, khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, đơn đặt hàng giảm 35 - 50%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm sâu nhất là cá tra giảm tới 31% so với cùng kì năm 2019; chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.

Đối với doanh nghiệp chế biến cá tra, báo cáo tài chính quí II/2020 của Công ty CP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty giảm 18% trong quí II xuống 1.666 tỉ đồng; lãi quí II giảm phân nửa so cùng kì xuống còn 215 tỉ đồng.

Vĩnh Hoàn cho biết, lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quí II bởi COVID-19 và giá bán giảm. Đồng thời, công ty cũng không còn lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng vốn nhà máy Vạn Đức Tiền Giang như quí II/2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 3.266 tỉ đồng, giảm 14,4% so với cùng kì năm ngoái; lợi nhuận 6 tháng tương tự giảm phân nửa còn gần 368 tỉ đồng, theo đó mới hoàn thành 46% kế hoạch cả năm trong kịch bản thấp và gần 35% trong kịch bản cao.

Nửa năm đầu ảm đạm, bán niên sau liệu có tươi sắc với doanh nghiệp thủy sản? - Ảnh 1.

Doanh thu quí II/2020 so với cùng kì năm ngoái của một số doanh nghiệp. (ĐVT: tỉ đồng). Nguồn: BCTC quí II/2020 VHC, IDI, ANV, FMC, AAM. Đồ họa: P. D

Tương tự như Vĩnh Hoàn, doanh thu của Công ty Nam Việt (Navico, Mã: ANV) cũng giảm 17% với lý do trên. Tuy nhiên, mức sụt giảm lợi nhuận của công ty này lớn hơn nhiều Vĩnh Hoàn, với mức sụt giảm đến 79% trong quí II, chỉ còn 32 tỉ đồng, thấp nhất kể từ năm 2017.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần Navico giảm 14% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm đến 79% xuống mức 75,5 tỉ đồng do biên lợi nhuận co lại. Dù vậy, mức sụt giảm này vẫn còn thấp hơn so với các doanh nghiệp còn lại.

Công ty CP Ðầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (Mã: IDI) công bố doanh thu quí II/2020 và 6 tháng đầu năm lần lượt giảm 24% và 21,2%. Lợi nhuận lần lượt đạt 26,4 tỉ đồng, giảm 60,8% trong quí II/2020 và 40,5 tỉ đồng, giảm 82,1% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành còn khó khăn hơn. Chẳng hạn như Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) chỉ lãi hơn 5 tỉ đồng sau nửa năm, giảm 95% so với cùng kì và mới thực hiện 7% kế hoạch năm.

Hay như AAM, công ty đã lỗ gần 600 triệu đồng trong quí II so với cùng kì năm ngoái lãi 3,7 tỉ đồng; lãi 6 tháng chỉ đạt 71 triệu đồng và cách rất xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8 tỉ đồng trong năm nay.

Chỉ riêng với mặt hàng tôm là mặt hàng được đánh giá tương đối khả quan khi vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.

Có thể kể đến Công ty Thủy sản Sao Ta (Mã: FMC) với doanh thu thuần quí II đạt hơn 873 tỉ đồng, tăng nhẹ 2,65% so với cùng kì năm ngoái; lãi sau thuế quí II đạt 52,14 tỉ đồng, nhích nhẹ 0,66%. Tính chung 6 tháng, doanh thu FMC không đổi, lãi sau thuế là 92,4 tỉ đồng, tăng 0,6% so với cùng kì năm 2019.

Hay như báo cáo của Minh Phú (MPC) vừa công bố cho thấy, Quí II, Minh Phú đạt 2.736 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 34% so với cùng kì năm 2019. Dù vậy, nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 10,9% cùng kì năm 2019 lên 12,4% quí II/2020 và các chi phí khác giảm giúp lợi nhuận tăng gần 2,4 lần lên 176 tỉ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, Minh Phú đạt 5.580 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 26% nhưng lãi sau thuế lại tăng 49% lên 231 tỉ đồng.

Nửa năm đầu ảm đạm, bán niên sau liệu có tươi sắc với doanh nghiệp thủy sản? - Ảnh 2.

Lợi nhuận quí II/2020 so với cùng kì năm ngoái của một số doanh nghiệp. (ĐVT: tỉ đồng). Nguồn: BCTC quí II/2020 VHC, IDI, ANV, FMC, AAM. Đồ họa: P. D

EVFTA sẽ là điểm tựa cho ngành tôm

VASEP nhận định, trong các tháng tới, ngành xuất khẩu thuỷ sản sẽ còn gặp khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn có khả năng bùng phát lần 2 và tăng mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… 

Dù vậy, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí VASEP vẫn lạc quan cho biết, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã gia tăng đáng kể. 

Bên cạnh đó, một tín hiệu lạc quan nữa cho ngành thủy sản Việt Nam là các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 có thể sẽ là một “cú hích” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Đặc biệt là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các sản phẩm có hạn ngạch miễn thuế như cá ngừ đóng hộp và surimi.

Mặt hàngLộ trình giảm thuế
Tôm
HS03 (shrimp & prawn): EIF hoặc lộ trình 3, 5 năm

HS16: 7 năm

Cá traLộ trình 3 năm, trừ cá hun khói là 7 năm
Cá ngừ
HS03: EIF

HS16: TRQ với cá ngừ đóng hộp (11.500 tấn), 7 năm với thăn cá ngừ (loin)

CuaLộ trình 3 năm
Mực, bạch tuộcEIF hoặc lộ trình 3 năm
Thủy sản khác
TRQ với surimi (HS1604.20.05)

Lộ trình 3-7 năm với các sản phẩm còn lại

Lộ trình cắt giảm thuế đối với một số sản phẩm chính của Việt Nam

Bởi khi thuế quan giảm về mức 0% thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh giá cả với các nước khác, theo đó lượng hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là mặt hàng cao cấp, những sản phẩm mà trước đây phải chịu mức thuế rất cao. Theo đó, khi thuế còn 0% thì các doanh nghiệp có thể cạnh tranh sòng phẳng, hoạt động của doanh nghiệp sẽ có cơ hội khởi sắc.

Cùng với Hiệp định EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lí, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố đã mở ra cơ hội vàng cho ngành hàng cá tra Việt Nam. 

Ngành tôm tận dụng triệt để cơ hội đến

Theo dự báo, từ quí III/2020 trở đi ngành thủy sản mới có khả năng phục hồi. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp vừa tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6 vừa qua, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Minh Phú cho biết từ cuối tháng 6 trở đi doanh nghiệp này tăng mạnh xuất khẩu sau khi các hợp đồng được kí đủ đến cuối năm.

Đồng thời, Minh Phú cũng đang kế hoạch tập trung sản xuất mặt hàng luộc để đẩy mạnh sang EU, nâng dần tỉ lệ từ 12% lên 14-15% vào cuối năm 2020 và mỗi năm nâng dần đến khi mức thuế tại thị trường này bằng 0 theo cam kết của EVFTA thì tỉ lệ sẽ lên 20-25%. Theo đó lợi nhuận sẽ hoàn lại, kế hoạch lợi nhuận năm 2020 tự tin sẽ đạt 994 tỉ đồng.

Nửa năm đầu ảm đạm, bán niên sau liệu có tươi sắc với doanh nghiệp thủy sản? - Ảnh 4.

Tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh là một trong những mặt hàng được giảm thuế theo lộ trình của EVFTA. Ảnh: P. D.

Cũng có phần lạc quan về tương lai gần của ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch FMC cho biết với lĩnh vực chế biến tôm, công ty đang có hợp đồng khá lớn, duy trì hoạt động kéo dài. Và tuỳ tình hình, sẽ có thêm hợp đồng bảo đảm không gián đoạn sản xuất. 

"Tuy nhiên, bóng đen COVID-19 vẫn còn đó, chưa đánh giá được diễn biến thời gian tới. Điều này khiến FMC càng thận trọng hơn trong phương án kinh doanh. Tập trung hoàn tất từng lô hàng để giao sớm nhất và hạn chế tồn trữ vật tư có thể rủi ro làm kẹt vốn. Chú trọng cẩn thận trong vụ thả nuôi tiếp theo, cố gắng duy trì có đồng lời....là những giải pháp FMC đang thực thi", ông Lực chia sẻ.

P. Dương

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.