Triển khai hộ chiếu vắc xin: Giải pháp nào an toàn và hiệu quả?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với việc áp dụng hộ chiếu vắc xin, việc thực thi các giải pháp đồng bộ đi kèm là rất quan trọng để sáng kiến này thực sự mang lại hiệu quả và an toàn.
Kỳ vọng song hành quan ngại
Theo Chủ tịch Ủy ban Tự do Dân sự của Nghị viện châu Âu Juan Lopez Aguilar, hộ chiếu vắc xin của EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Hộ chiếu vắc xin là chứng chỉ hợp nhất kỹ thuật số về tiêm phòng vắc xin ngừa dịch COVID của EU, nhằm tạo ra biện pháp bảo vệ pháp lý mới mang lại sự tin tưởng không chỉ giữa các quốc gia thành viên, mà còn giữa các công dân về khả năng đi lại tự do vào mùa hè này.
Uỷ viên tư pháp của Uỷ ban châu Âu Didier Reynders cũng cho biết, đây là công cụ được ban hành và chấp nhận ở mọi quốc gia thành viên, cho phép công dân châu Âu đi lại an toàn và không có bất kỳ sự phân biệt nào.
Hộ chiếu vắc xin của EU được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và các nước thành viên chỉ được phép áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong trường hợp ngoại lệ để đảm bảo tình hình dịch tễ. Với những lợi ích sẽ mang lại, hộ chiếu vắc xin đang được các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Tây Ban Nha, Hy Lạp chào đón.
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, hộ chiếu vắc xin sẽ tạo thuận lợi cho việc sớm đi lại, nhất là với du lịch. Vì vậy, tất cả các chính phủ các nước EU đều rất quan tâm đến việc thực hiện hộ chiếu vắc xin này.
Còn ông Carmelo Catalioto, một quản lý nhà hàng tại Tây Ban Nha cũng cho biết, nền kinh tế Tây Ban Nha phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế và khủng hoảng dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến ngành du lịch.
Thực tế là hộ chiếu vắc xin vẫn chưa thể tất cả công dân EU đồng tình nhưng trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch COVID-19 đang được triển khai rộng khắp thì hộ chiếu vắc xin sẽ là giải pháp an toàn để tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của khách quốc tế.
Mặc dù những lợi ích khi triển khai hộ chiếu vắc xin sẽ mang lại là khá rõ nhưng cho tới nay sáng kiến này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như vẫn vấp phải sự phản đối từ chính người dân châu Âu.
Người phát ngôn của WHO Margaret Harris khẳng định, ở thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vắc xin hoặc hộ chiếu vắc xin là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền COVID-19 của vắc xin hiện hành.
Bên cạnh đó, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vắc xin COVID-19 vì những lý do khác nhau nên việc áp dụng hộ chiếu vắc xin sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử.
Cùng quan điểm này, Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết, tại thời điểm này, Ủy ban Khẩn cấp và WHO đang khuyến cáo không nên sử dụng chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ du lịch quốc tế bởi vắc xin không có sẵn ở khắp mọi nơi.
Thêm vào đó, WHO vẫn chưa chắc chắn được liệu những người đã tiêm vắc xin có còn bị nhiễm COVID-19 nữa hay không và vì thế vẫn có thể gây rủi ro cho những người khác, ông Tarik Jasarevic nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Manuel Jaen, một công dân Tây Ban Nha lại bày tỏ sự phản đối áp dụng hộ chiếu vắc xin của EU. Lý do phản đối được đưa ra là thông thường phải mất từ 6-8 năm để phát triển một loại vắc xin. Vì vậy, thật vô lý khi EU lại muốn áp đặt người dân trong khối tiêm các vắc xin vừa mới được nghiên cứu và phát triển như một điều kiện để đi lại, ông Manuel Jaen chỉ rõ.
Ngày 20/5 vừa qua, WHO cũng cho biết số ca nhiễm ở châu Âu đã giảm 60% trong tháng qua, từ 1,7 triệu ca giữa tháng 4 xuống 685.000 ca tuần trước. Tuy nhiên, giới chức WHO đánh giá xu hướng này khá mong manh giữa lúc các nước đẩy mạnh nới lỏng biện pháp hạn chế, mở cửa trở lại và nhiều nhóm tụ tập đông đúc.
Để thực thi sáng kiến hộ chiếu vắc xin COVID-19 vào tháng 7 tới, chính phủ các nước EU, Nghị viện châu Âu và EC vẫn phải thống nhất về các điều kiện cấp chứng chỉ. Các bên cũng phải quyết định xem liệu có thể đưa các xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2, vốn được thực hiện nhanh hơn nhưng kém chính xác hơn để làm điều kiện xét cấp chứng chỉ hay không.
Đề xuất giải pháp triển khai hộ chiếu vắc xin COVID-19, chuyên gia du lịch Aage Duenhaupt, Giám đốc truyền thông của Công ty du lịch lữ hành TUI GERMANY cho biết, vào mùa hè này, EU chưa thể hoàn tất tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho mọi công dân nên việc sử dụng chứng nhận tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19 song hành sẽ là giải pháp quan trọng để mọi người có thể tự do đi lại.
Sự chuẩn bị của Việt Nam
Tại họp báo chính phủ đầu tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vắc xin.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu bởi không có loại vacccine nào đạt hiệu quả 100%.
Mặt khác, hộ chiếu vắc xin chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vắc xin, Việt Nam phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn, ông Thuấn nhấn mạnh.
Ngày 18/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng COVID-19.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vắc xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.
Cũng trong ngày 18/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.
Về phía doanh nghiêp, các công ty du lịch và hàng không cũng đang đề xuất triển khai nhiều giải pháp chuẩn bị nhằm đón đầu cơ hội khi hộ chiếu vắc xin được đưa vào thực hiện tại Việt Nam.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng hộ chiếu vắc xin chưa phải an toàn tuyệt đối nên muốn áp dụng phải xây dựng tiêu chí về khách du lịch quốc tế an toàn. Khi đó, doanh nghiệp du lịch sẽ chỉ bán tour cho khách quốc tế có chứng nhận tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khách du lịch quốc tế trước khi đến Việt Nam 72 tiếng phải xét nghiệm PCR và nếu có kết quả âm tính thì mới được lên trên chuyến bay đến Việt Nam.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines làm thành viên của Liên minh hàng không thế giới Sky Team.
Hiện liên minh hàng không Sky team đang yêu cầu khoảng 22 tiêu chuẩn an toàn trên chuyến bay thì Vietnam Airlines đang áp dụng khoảng 25 đến 26 bộ tiêu chuẩn, tức là vượt trên cả những quy định của các hãng hàng không tiên tiến trên thế giới.
Hiện Vietnam Airlines đang nỗ lực làm việc với Hiệp hội vận tải và hàng không quốc tế IATA nhằm đạt thoả thuận về việc tham gia sáng kiến hộ chiếu vắc xin điện tử "IATA travel pass" trên các chuyến bay quốc tế.
Để đảm bảo an toàn cao nhất, 1.500 nhân viên tuyến đầu của Vietnam Airlines gồm phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất ở sân bay đã được tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Thời gian tới, Vietnam Airlines tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng tiêm chủng, phấn đấu 100% cán bộ nhân viên được tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí bằng nguồn quỹ phúc lợi của công ty.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và hiệu quả trong áp dụng hộ chiếu vắc xin điện tử tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần triển khai thí điểm trước khi áp dụng chính thức.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, Việt Nam nên áp dụng theo mô hình thí điểm với một quốc gia lân cận có tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh tốt. Sau đó áp dụng các mô hình như hộ chiếu vắc xin cộng với điều kiện an toàn mà các hãng hàng không đang áp dụng để đánh giá kỹ trước khi triển khai tiếp.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA travel đề xuất chọn các nước theo hình thức là "bong bóng du lịch". Cụ thể, những nước có kết quả chống dịch tương đối tốt thì Việt Nam có thể cân nhắc để mở bong bóng du lịch và sự công nhận lẫn nhau, cũng như là cả hai bên cùng hợp tác để chống dịch.
Về phía Hội đồng Tư vấn Du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký cho biết, phải xây dựng một đề án thí điểm. Theo đó, Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn mà cân nhắc triển khai thử nghiệm trong một thời gian nhất định. "Chỉ sau thời gian thí điểm mới kết luận được cái việc mở cửa là an toàn thì mới tiến dần đến mở cửa rộng hơn".
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng kịch bản để quản trị rủi ro xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tour của khách, bắ đầu từ trước khi khách đến Việt Nam, cho đến khi khách đến sân bay ở Việt Nam, rồi khi đón khách và vận chuyển khách đến thời điểm lưu trú, rồi an toàn tại các cơ sở lưu, rồi an toàn trong thời gian di chuyển khách đến các điểm tham quan ở gần khu lưu trú, rồi an toàn khi tiễn khách trở lại quay trở về nước.
Chỉ khi xây dựng được kịch bản quản trị rủi ro toàn diện như vậy thì mới có thể yên tâm để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
"Quan điểm xuyên suốt của Hội đồng tư vấn du lịch là không hy sinh và không đánh đổi lợi ích về sức khỏe của cộng đồng người dân Việt Nam để phát triển kinh tế; trong đó, có phát triển du lịch và hàng không", ông Chính nhấn mạnh