|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đồng ý dùng nguồn tiền ủng hộ cho phòng chống dịch để mua vắc xin COVID-19

07:16 | 21/05/2021
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 để mua vắc xin COVID-19.

Theo công văn mới được Văn phòng Chính phủ ban hành, toàn bộ số tiền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ sẽ được chuyển vào ngân sách Nhà nước để mua vắc xin.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, giám sát Mặt trận các tỉnh, thành phố chuyển số tiền đã tiếp nhận vào ngân sách.

Chính phủ đồng ý dùng kinh phí Mặt trận Tổ quốc mua vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin COVID-19. (Ảnh: HCDC).

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng sẽ hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách Trung ương số kinh phí được phân bổ; chịu trách nhiệm rà soát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, bảo đảm không trùng lặp về đối tượng hỗ trợ. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí này để mua vắc xin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng chi phí khoảng 25.200 tỷ đồng. Để mua vắc xin, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó, 38,9 triệu liều vắc xin từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin theo cơ chế chia sẻ chi phí với giá ưu đãi, tuy nhiên chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do còn phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vắc xin.

Bộ Y tế đang liên tục có những trao đổi, đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vắc xin phòng COVID-19 khác như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)... với mục tiêu có đủ và đa dạng nguồn vắc xin phòng COVID-19 phục vụ người dân và đang đẩy mạnh việc tiếp cận để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Tính đến 6h ngày 21/5, Việt Nam có tổng cộng 4.833 ca mắc. Trong đó, 3.355 ca ghi nhận trong nước và 1.478 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.785 ca.

Tính đến 16 giờ ngày 20/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.021.085 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.821 người.

Sơn Thạnh