|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trễ lịch công bố Mỹ kết luận Việt Nam 'thao túng tiền tệ' hay không

22:48 | 22/10/2019
Chia sẻ
Lẽ ra thời điểm này bản báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” đã được Bộ Tài chính Mỹ công bố.
avatar_1571759106069

Một tiêu chí Việt Nam bị thỏa mãn kỳ đánh giá này là về thặng dư thương mại.

Với bản báo cáo đó, cho kỳ đánh giá vừa qua, việc Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam hay không sẽ có kết quả cuối cùng.

Theo thông lệ, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo này thường vào ngày 17 hoặc 18/10, hoặc trước thời điểm 21/10. Nhưng năm nay và đến thời điểm này lịch công bố đó bị trễ, chưa có kết quả cuối cùng.

Trao đổi với BizLIVE, một người am hiểu lĩnh vực này cho rằng, có thể trong quá trình đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng, có phát sinh nào đó với một trường hợp/quốc gia nào đó khiến thời điểm công bố được lùi lại.

“Theo tôi tìm hiểu thì phía Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đã hoàn tất việc trao đổi các thông tin và dữ liệu cần thiết cho việc đánh giá. 

Còn lại là kết luận từ phía Mỹ. Việc chưa công bố có thể có phát sinh nào đó, mà đây là đánh giá với nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam”, người am hiểu trên cho biết.

Cũng theo nguồn tin này, kỳ đánh giá vừa qua thuộc giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019. Ở kỳ này, Việt Nam bị thỏa mãn một trong ba tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ xem xét là về thặng dư thương mại.

Dù vậy, theo tìm hiểu của BizLIVE ở một số kênh liên quan, nhiều khả năng Bộ Tài chính Mỹ sẽ chưa đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia “thao túng tiền tệ”, dựa trên cơ sở trao đổi và phối hợp đánh giá giữa hai bên vừa qua. 

Tuy nhiên, ở kỳ đánh giá tiếp theo với kỳ báo cáo dự kiến vào tháng 4/2020 thì vẫn khó nói trước.

Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 quốc gia cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.

Trả lời trước Quốc hội sáng 6/6/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã thông tin cụ thể về sự kiện này.

Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo hồi tháng 5 vừa qua, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP. 

Trong đó, Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí, là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai. Còn tiêu chí về can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.

Minh Đức

Giảm VAT 2% lần thứ 5: Nên giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ để mang lại hiệu quả cao nhất
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, để đạt hiểu quả cao nhất, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.