|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trào lưu fintech đe doạ định chế tài chính truyền thống

20:30 | 12/11/2016
Chia sẻ
Các ứng dụng tài chính (fintech) đang đe doạ sự tồn tại các định chế tài chính truyền thống và phát triển nhanh hơn luật pháp có thể theo kịp.

Trào lưu fintech đang lớn mạnh hơn bao giờ hết và những ảnh hưởng rộng lớn đến ngành tài chính, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ, đang dần hiện hình.

Vào tháng 6/2016, ngân hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, Bank of America (BoA) thông báo rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 8.400 nhân sự trong tương lai gần. Theo tờ Fortune, số lượng khách hàng đi đến các chi nhánh vật lý của ngân hàng này giảm mạnh từ năm 2010, khiến cho nhà băng đã phải đóng cửa 1.200 chi nhánh trên toàn nước Mỹ. Lý do rất đơn giản, rất nhiều khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng qua mạng thay vì đi đến tận nơi để giao dịch một cách truyền thống.

Con số 8.400 đến từ một thông báo của Thong Nguyen, Giám đốc mảng bán lẻ của BoA tại một hội nghị tài chính do ngân hàng Morgan Stanley tổ chức, theo tờ Financial Times. Ông Nguyen cho biết nhân sự mảng của bán lẻ của BoA đã giảm từ 108.000 người trong năm 2009 xuống còn khoảng 68.400 người và sẽ tiếp tục cắt giảm xuống còn khoảng “trên dưới 60.000 người”.

trao luu fintech de doa dinh che tai chinh truyen thong

Fintech đang phát triển rất nhanh, đe dọa trực tiếp đến các tổ chức tài chính truyền thống.

Financial Times cho rằng lý do của việc cắt giảm nhân sự này đến từ sự phát triển vũ bão của công nghệ và điều này thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người tiêu dùng. Điện thoại di động đang thay thế các giao dịch viên và các ứng dụng fintech như mobile banking làm giảm nhu cầu đi đến chi nhánh để giao dịch.

Tại châu Âu, tình hình cũng không khá hơn với giới ngân hàng khi 8 ngân hàng hàng đầu của châu Âu đã sa thải khoảng 100.000 nhân viên vào đầu năm nay. Theo Blooomberg, những ngân hàng như: Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered đã mất khoảng 420 tỷ USD giá trị thị trường bởi sự lên ngôi của fintech khi những ứng dụng không bị kiềm hãm bởi luật lệ về tài chính như ngân hàng truyền thống ngoài hàng loạt biến động như lãi suất âm, sự chậm tăng trưởng của Trung Quốc, giá dầu thô giảm…

Theo bà Faye Chua, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Khảo sát của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc thì fintech hiện nay bao trùm rất nhiều phương diện tài chính như vay, mượn tiền, chuyển tiền, thanh toán online, tư vấn tài chính, thậm chí là bảo hiểm và báo cáo lịch sử tín dụng. Tất cả đều được thực hiện online trên smartphone hoặc các thiết bị di động với độ bảo mật cao và tốc độ gần như tức thì, thay thế vai trò của chi nhánh ngân hàng vật lý và giao dịch viên.

Sự vươn lên bất ngờ của fintech khiến các nhà quản lý các định chế tài chính cảm thấy lúng túng. Một khảo sát của PWC được thực hiện vào đầu năm nay với hơn 500 nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao tại 45 nước trong lĩnh vực tài chính cho thấy 56% nhà quản lý vẫn chưa hiểu rõ về fintech và 57% thậm chí không biết làm gì cho doanh nghiệp họ trước trào lưu fintech.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán PWC Việt Nam cho rằng không có khái niệm “khách hàng trung thành” trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

“Nếu các đòi hỏi khách hàng không được đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng thì họ sẽ chuyển sang ngân hàng khác rất dễ dàng”, ông cho biết. PWC dự báo sự bùng nổ của fintech toàn cầu sẽ diễn ra vào 5 năm tới, và các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 12 đến 24 tháng chuẩn bị bằng việc thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, lên kế hoạch tích hợp fintech vào chiến lược kinh doanh nếu muốn đón đầu trào lưu này.

Tại Việt Nam, tiềm năng để fintech phát triển là rất lớn. Theo một nghiên cứu của quỹ đầu tư Dragon Capital thì thị trường của fintech tại Việt Nam là khoảng 30 triệu người dùng với hơn 30.000 lập trình viên được đào tạo và 10.000 người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mỗi năm.

Fintech tuy phát triển thần tốc và tiện dụng cho người dùng nhưng lại làm các nhà làm luật đau đầu. “Các doanh nghiệp fintech phát triển nhanh hơn sự hoàn thiện của luật pháp nên có nhiều lúc các fintech hoạt động một thời gian thì chính phủ mới bắt đầu 'gõ cửa' và tìm hiểu xem họ đang làm gì, có phạm luật gì không”, ông Dũng nhận xét.

Vĩnh Viễn