|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tranh luận nguy cơ thất thu 5.000 tỉ đồng

08:14 | 02/11/2019
Chia sẻ
Do việc ban hành nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm so với ngày luật có hiệu lực, dẫn đến việc thất thu một khoản 5.000 tỉ đồng.
avatar_1572656869155

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thu tiền cấp khai thác tài nguyên gây thất thoát lớn. Ảnh: Ngọc Thắng

Chiều 1.11, các đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt khi thảo luận về đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có thể gây thiệt hại cho ngân sách khoảng 5.000 tỉ đồng.

Sẽ là một tiền lệ rất xấu

Theo tờ trình của Chính phủ, do việc ban hành nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định 203/2013) chậm 2 năm 6 tháng; và nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định 82/2017) chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực, đã dẫn đến việc thất thu một khoản 5.000 tỉ đồng (do luật yêu cầu thu, nhưng chưa có nghị định hướng dẫn nên không thể thu).

Xét thấy việc truy thu khoản tiền này là quá khó, lại ước tính 80 - 90% là từ các mỏ khoáng sản, các nhà máy thủy điện của các doanh nghiệp (DN) nhà nước như EVN, TKV, PVN là chủ đầu tư, nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội (QH) cho lùi thời gian chính thức thu tiền từ thời điểm luật có hiệu lực thành thời điểm nghị định có hiệu lực.

Đề xuất này khiến đại biểu (ĐB) QH có 2 quan điểm khác nhau. Phía ủng hộ đề xuất của Chính phủ cho rằng việc ban hành nghị định chậm là trách nhiệm của nhà nước, không thể hồi tố để truy thu của DN. 

Ngược lại, một số ĐB khác cho rằng, việc này sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu, giảm tính nghiêm minh của pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước và gây bất bình đẳng. 

Mặc dù các ĐB có vẻ thống nhất với nhau về khả năng “mất tiền”, vì khoản này là rất khó thu (gần như không thể thu được), nhưng cách QH xử lý thế nào để không “mất mặt”, không tạo ra những tiền lệ xấu, là điều gây tranh cãi.

ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhấn mạnh: Tháng 5.2018, ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT về vấn đề này, nêu rõ việc ban hành nghị định chậm có nguy cơ gây thất thu khoảng 2.800 tỉ riêng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đây mới là khoản tạm thời chưa thu, chứ “không phải là khoản thất thu” và cho rằng nếu tiếp tục thu cũng chỉ “phần nào ảnh hưởng trực tiếp” đến các DN.

Tuy nhiên, tại tờ trình lần này, cũng chính Bộ trưởng Hà lại cho thấy vấn đề rất “nghiêm trọng”, như không phù hợp với các cam kết của VN khi gia nhập WTO, làm phá sản DN…

Nhấn mạnh đề xuất của Chính phủ thực chất là đề nghị không thu các khoản cấp quyền này, chứ không phải lùi như tờ trình, ĐB Hàm cho rằng, đề xuất đó là không thuyết phục, vì từ thời điểm luật có hiệu lực, các khoản đó đã phải thu chứ không phải hồi tố. 

Do đó, ĐB đề nghị rà soát, xác định các khoản không thể thu được, số còn lại phải thu đủ vào ngân sách; đồng thời qua xác định hậu quả xấu với phát triển kinh tế, Chính phủ cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả cho QH.

Phải làm rõ trách nhiệm của ai?

ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng đây là điều chưa có tiền lệ nên cần phân tích kỹ.

“Hệ lụy mất 5.000 tỉ từ việc chậm ban hành nghị định là rất ước lệ và chưa đủ độ tin cậy. Báo cáo của Bộ TN-MT cho thấy Bộ cấp 400 giấy phép cho các dự án lớn, các tỉnh cấp trên 4.000 giấy phép, nếu tính mỗi dự án của Bộ thu được 10 tỉ, của tỉnh thu được 1 tỉ đã thành 8.000 tỉ rồi. 

Tóm lại, tôi thấy con số chưa đáng tin cậy. Cần có đánh giá tổng thể việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn gây thất thoát ngân sách và tạo cơ hội trục lợi như thế nào và bao nhiêu tiền”, ĐB đề nghị và cho rằng để không tạo tiền lệ xấu, không làm được thì đề nghị QH miễn giảm, nên để lại kỳ sau để cân nhắc cho kỹ, vì “đã quyết định không thu, sau này có kiểm điểm trách nhiệm cũng là rất hình thức”.

Ngược lại, ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Chủ tịch HĐTV TKV, thì cho rằng: “Luật có hiệu lực từ 2011, đến đầu 2014 nghị định mới có hiệu lực, DN đã hạch toán kinh tế, phân bổ lợi nhuận, công khai tài chính hết rồi. Nếu hồi tố thì không có cơ sở pháp lý để thu tiền thu nhập DN, là không khả thi tí nào cả”.

Một số ĐB của Ủy ban Pháp luật như ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng không có căn cứ nào để hồi tố, thu tiền của DN. 

“Trước khi nghị định ban hành thì dù có luật chúng ta cũng chưa thu được tiền, vì không có số tiền phải thu và không có phương pháp thu, nên dựa vào 2 nghị định này để xác định thất thoát mấy nghìn tỉ là không hợp lý”, theo ĐB Nguyễn Trường Giang.

Nhấn mạnh việc ngân sách bị tổn thất đến 20.000 tỉ đồng nếu QH quyết định ủng hộ đề xuất này của Chính phủ và đề xuất khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị phải phân định rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm của những người không làm đúng phận sự, gây tổn thất ngân sách.

Hỗ trợ đồng bào thiểu số phải chú ý đến bảo tồn văn hóa

Sáng 1.11, QH đã thảo luận về đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Nhất trí cao về việc phải có những chính sách thúc đẩy phát triển khu vực này, tuy nhiên các ĐBQH đều cho rằng đề án lần này phải giải quyết được vấn đề "bội thực chính sách" nhưng thiếu nguồn lực thực hiện; lưu ý đến khía cạnh bảo tồn văn hóa bên cạnh kinh tế.

"Tôn giáo gắn chặt với nhiều dân tộc, nhưng đề án chưa thấy rõ vấn đề này. Ta cũng chưa nhìn nhận đúng mức vấn đề chữ viết và tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến đánh giá và nhìn nhận cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn bất cập", ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nêu quan điểm.

ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình) cũng cho rằng, cần chú trọng đến việc tác động để kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay; nên đề án cần chú trọng quan tâm vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục, thay vì tặng gạo, cho bò…

Vũ Hân